G20 tăng cường hợp tác xuyên biên giới

Tối 3-9 (giờ địa phương), các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tham dự một hội nghị trực tuyến đặc biệt do Saudi Arabia chủ trì. Hội nghị thảo luận việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới sau nhiều tháng áp dụng các lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. 
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao G20
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao G20

Sự cần thiết của mở cửa biên giới

Tham dự hội nghị trực tuyến có Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời (Việt Nam, Singapore, Jordan, UAE, Rwanda, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ) cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan khẳng định việc tái mở cửa biên giới, bên cạnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa, sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, đem lại sự thịnh vượng và niềm tin hợp tác cùng vượt qua đại dịch. Các quốc gia tham gia hội nghị đều thống nhất quan điểm các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới tuy góp phần kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch nhưng cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với phát triển kinh tế - xã hội, gây gián đoạn các chuỗi thương mại và đầu tư. Việc nhiều quốc gia áp dụng các lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng tới sinh kế của người dân, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm và hàng triệu lao động bị mất việc làm.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao G20 thừa nhận tầm quan trọng của mở cửa biên giới và xúc tiến các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng còn thảo luận về công tác phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xuyên biên giới nhằm bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân; tăng cường phối hợp trong việc đưa công dân trở về nước và điều trị cho công dân nước ngoài; thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác chung nhằm nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết, ngày càng có nhiều lo ngại việc hạn chế đi lại hiện nay có thể kéo dài hơn cuộc khủng hoảng trước mắt. Ông Guterres kêu gọi các ngoại trưởng G20 đồng thuận về một “tiêu chí chung” để có thể dỡ bỏ các hạn chế đi lại dựa trên cách tiếp cận khoa học, bên cạnh thúc đẩy đầu tư nhằm hỗ trợ hoạt động đi lại an toàn, trong đó có tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.

Cân nhắc hoãn nợ cho nước nghèo

Trước thềm diễn ra hội nghị, G20 đang cân nhắc gia hạn thanh toán nợ cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho đến ít nhất là cuối năm 2021. Hồi tháng 4-2020, G20 đã đồng ý cho hoãn thanh toán các khoản nợ cho đến cuối năm 2020, nhưng có thể kéo dài thời gian do tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. 

Quyết định trên dự kiến sẽ được thông qua tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương G20 vào tháng 10 tới. Việc hoãn thanh toán nợ sẽ giúp các nước thu nhập thấp giảm bớt gánh nặng tài chính và cho phép những nước này ưu tiên xử lý những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Biện pháp này sẽ được áp dụng cho 73 quốc gia nghèo. Tính đến cuối tháng 8-2020, 43/73 nước trên đã đề nghị kéo dài thời gian thanh toán số nợ phải trả hơn 5 tỷ USD (bao gồm lãi) mà thời hạn ban đầu được ấn định vào cuối năm 2020.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud, Chủ tịch G20 năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến G20.

Việt Nam được mời tham dự các hội nghị của G20 trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.

Tin cùng chuyên mục