Sau khi không thể tạo ra được bất ngờ trước đội bóng số 1 thế giới Iran tại giải vô địch futsal châu Á vừa qua, ông Diego Giustozzi, HLV từng vô địch World Cup, hiện đang dẫn dắt đội tuyển futsal Việt Nam, đã thừa nhận việc rút ngắn khoảng cách với các đội hàng đầu thế giới là không thể nếu như không có một giải vô địch quốc gia futsal mạnh và chuyên nghiệp hơn.
Futsal Việt Nam là một trong những điển hình của chiến lược đi tắt - đón đầu, xây dựng các đội tuyển quốc gia mạnh, đầu tư trọng điểm để tạo ra bước nhảy vọt về thành tích quốc tế. Hai lần giành quyền dự World Cup gần nhất đều chứng kiến những kết quả đáng khích lệ khi đội tuyển futsal Việt Nam đều vượt qua vòng đấu bảng. Chiến lược này thành công và đem lại những lợi ích to lớn trong việc phát triển phong trào. Futsal được biết đến nhiều hơn, nguồn lực đầu tư cũng tăng lên mà điển hình là chúng ta đang sở hữu một nhà vô địch World Cup trên băng ghế huấn luyện.
Tuy nhiên, từ nền tảng đó, muốn duy trì thành công, lại vẫn phải bắt đầu từ giải vô địch quốc gia. Dù có khả năng tạo ra được những tài năng một cách đều đặn thì những cầu thủ xuất sắc nhất vẫn phải được trui rèn trình độ về kỹ - chiến thuật, thể lực và nhất là khả năng thi đấu độc lập. Những yếu tố đó phụ thuộc khá nhiều vào môi trường hoạt động thường xuyên của mỗi cầu thủ. Và điều đó chỉ tồn tại ở hệ thống thi đấu quốc nội. Thực tế, futsal Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua, nhưng cũng tương tự như V-League hay hệ thống thi đấu các giải U, mọi thứ vẫn chỉ ở mức bán chuyên nghiệp và không nhiều tính cạnh tranh.
Đúng là vấn đề không mới, nhưng lại được quan tâm nhiều bởi đây là thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 9. Bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong 4 năm qua, nhưng cũng vì vậy mà những đòi hỏi đang lớn dần lên, bức thiết hơn cho bộ máy quản lý bóng đá trong thời gian tới. Đây là một nhiệm kỳ mang tính bản lề cho sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam, bởi chưa bao giờ mà chúng ta lại ở rất gần các kỳ World Cup đến như vậy. Năm sau bóng đá nữ sẽ đá World Cup 2023, sau đó là vòng loại World Cup dành cho futsal và quan trọng nhất, chính là triển vọng dự World Cup 2026 của bóng đá nam.
Hiện tại, các đội tuyển của chúng ta, bao gồm tuyến U đến bóng đá nữ, futsal đều thường xuyên tham dự các sự kiện Asian Cup - tức giải vô địch châu Á. Nhưng giành quyền tham gia đã khó, duy trì được phong độ và nâng cấp chất lượng, cải thiện kết quả lại là một chuyện khác. Bài học của futsal đã chỉ rõ: Nếu chúng ta tiến bộ chậm chạp thì sẽ bị các nền bóng đá khác bắt kịp trong thời gian ngắn, bởi khả năng đầu tư của họ không hề thua kém, nếu không nói là vượt trội. Không nói đâu xa, riêng trong năm 2022 này, bóng đá nữ đã xuất hiện Philippines, còn bóng đá nam thì Indonesia đang ngày một mạnh lên.
Công bằng mà nói, VFF đã làm tốt sau một nhiệm kỳ được đánh giá là có tinh thần đoàn kết cao nhất. Nhưng đó không phải là yếu tố có thể đem lại sự nhảy vọt về con người cũng như nguồn lực tài chính tham gia vào bóng đá. Để phục vụ cho những “chiến lược World Cup”, chúng ta cần rất nhiều tiền và niềm đam mê của xã hội. Đó là những thứ tạo ra các giải vô địch quốc gia đông đảo, giàu tính cạnh tranh. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các CLB dự những giải VĐQG nam, nữ đều ở mức tối thiểu và hầu như không tăng suốt 2 thập niên qua. Nó phản ảnh một sự thận trọng nhất định về niềm tin của xã hội đối với bóng đá nước nhà. Hoặc cũng có thể, chúng ta quá tập trung vào những chiến lược “đi tắt, đón đầu” mà không có thời gian, tầm nhìn, các quyết sách căn cơ để xây dựng nền móng thi đấu phù hợp.
Làm bóng đá cũng như thi đấu trên sân, không thể cứ dựa vào nỗ lực tinh thần, sự đoàn kết hay may mắn mãi được. Đẳng cấp của một nền bóng đá là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ và có tham vọng rõ ràng.