Tại Việt Nam, giới trẻ cũng đang dần có xu hướng dịch chuyển thời gian làm việc, thay bằng 8 giờ tại công sở, nhiều bạn trẻ đã bứt phá, tìm công việc có thời gian linh động, không gian làm việc không bị gò bó.
Sự lựa chọn khác biệt
Sau 4 năm làm việc trong một công ty dịch thuật tại TPHCM, Hoàng Anh Tài, 28 tuổi (ngụ quận 8) bỗng dưng chán. Không phải Tài chán công việc của một biên dịch viên mà Tài chán quy trình lặp đi lặp lại hàng ngày: sáng ngủ dậy, ăn sáng rồi tới công ty vào đúng 8 giờ, chiều 17 giờ từ công ty về... Sau một thời gian suy nghĩ, Tài xin nghỉ việc, nhận dự án về nhà dịch và cảm thấy thích thú với kiểu làm việc như vậy.
“Tôi thấy bỏ 8 giờ cho công việc là quá nhiều. Làm việc theo dự án, có tuần tôi phải làm ngày làm đêm nhưng có tuần tôi rảnh, đi đây đi đó mà không phải lo lắng gì. Nghĩ lại, thời gian trước làm toàn thời gian, không có việc cũng phải có mặt, thấy uổng phí”, Tài cho biết.
Nếu Anh Tài có 4 năm trải nghiệm công việc 8 giờ/ngày thì Phạm Thị Khuyên (ngụ quận Tân Bình) từ khi ra trường đã chọn công việc làm theo hợp đồng. Khuyên tốt nghiệp ngành Thiết kế nội thất tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, thay bằng đầu quân cho một công ty nào đó, Khuyên kết nối với nhóm đồng môn khóa để nhận các dự án làm ngoài. Gần 7 năm ra trường, cũng là ngần ấy thời gian Khuyên vừa kiếm tiền, vừa đi du lịch. Với Khuyên, việc áp đặt mình vào một khuôn phép nào đó là triệt tiêu sáng tạo, vì vậy cô sớm định hướng cho mình một công việc tự do, thoải mái, phù hợp với chuyên môn.
Tính toán kỹ lưỡng
Theo nghiên cứu của một tập đoàn nhân sự Mỹ ở 24 quốc gia trên thế giới, gần 45% người trẻ không thích làm việc 8 giờ/ngày. Thay bằng có mặt đủ thời gian quy định ở công sở, họ thích làm việc bán thời gian; làm việc theo dự án; làm việc theo hợp đồng, kết thúc hợp đồng là hết việc…
Tại Việt Nam, dù chưa có một nghiên cứu chính thức nào về xu hướng này, song nhìn vào thực tế hiện nay, xu hướng freelance trên thế giới cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ Việt. Minh chứng là nhiều người bỏ việc công sở để nhận việc về nhà, hay rõ nhất là ngày càng nhiều người trẻ diện áo thun, quần soọc, ôm laptop vào quán cà phê để giải quyết công việc.
Tiếp xúc nhiều với giới trẻ, nhất là những người lao động tìm việc làm, theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM, dù làm việc theo xu hướng nào, toàn thời gian hay bán thời gian, thậm chí là freelance, quan trọng nhất vẫn là tâm huyết của người lao động đối với công việc, để sao cho có hiệu quả tốt nhất. Và biết đâu, với cách làm việc ấy, họ sẽ đạt được nhiều mục đích trong một khoản thời gian, nếu biết sắp xếp hợp lý.
Ông Sang cũng cho rằng, hiện giới trẻ cũng sớm có cho mình những định hướng riêng và thích ứng rất nhanh với các xu hướng mới trên thế giới. Song, để sống được với đam mê, có công việc và thu nhập ổn định, giới trẻ phải chuẩn bị thật nhiều nguồn lực, cả về kiến thức chuyên môn, vốn sống, tính toán về kinh tế và nhất là uy tín của bản thân, nếu không khó có thể đi đường dài với xu hướng ấy.
Ở khía cạnh khác, anh Trương Văn Nam, chuyên viên nhân sự của một tập đoàn đa quốc gia chuyên về mảng nội thất cũng khẳng định: “Nếu bạn còn trẻ, bạn có một mình, bạn có thể chạy theo đam mê, sống và làm việc xê dịch. Nếu bạn có gia đình, điều này ít nhiều có ảnh hưởng đến người thân, bởi cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền và trách nhiệm của người cha, người mẹ với con cái là rất lớn”.
Anh Nam phân tích, với công việc bán thời gian, làm dự án, hợp đồng… thì chỉ nhìn được tương lai gần. Có thể dự án đó đủ để họ và gia đình sống khỏe trong một hoặc nhiều tháng, nhưng chưa chắc sau đó sẽ kiếm được một dự án, một hợp đồng khác để tiếp tục trang trải cho cuộc sống. “Khi đó, mọi thứ đều là may - rủi”, anh Nam khẳng định.
Theo quan niệm của nhiều người, nếu làm toàn thời gian tại công sở, ít nhất người lao động sẽ được đảm bảo bởi hợp đồng lao động. Khi càng lớn tuổi, người ta sẽ trở lại xu hướng thích ổn định và nếu từ trẻ đã không có thói quen làm việc trong khuôn khổ thì càng khó để sau này thích nghi.