Với sản phẩm bán lẻ chủ lực là điện thoại di động và laptop thì FPT Retail có tốc độ tăng trưởng tốt hơn thị trường chung về số lượng và giá trị. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm (CAGR) của doanh thu và lợi nhuận sau thuế mà FPT Retail đã đạt được trong giai đoạn 2013-2017F, kế hoạch tăng trưởng bình quân (CAGR) của FPT Retail trong giai đoạn 2016 – 2020F là 23,9%/năm cho doanh thu và 33,5%/năm cho lợi nhuận sau thuế.
FPT Retail hiện có hơn 460 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành.
FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam trong ngành kỹ thuật số và hàng công nghệ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) doanh thu đạt 47%/năm trong giai đoạn 2013-2017F và tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) lợi nhuận sau thuế đạt 92%/năm trong giai đoạn 2014-2017F.
FPT Retail báo cáo kết quả hoạt động với các nhà dầu tư quan tâm
CTCK HSC dự báo trong năm 2017, FPT Retail có doanh thu tăng trưởng 27,2% và LNTT tăng trưởng 32,3% nhờ (1) có khoảng 95 cửa hàng mới đi vào hoạt động tính đến cuối năm 2017, nâng tổng số cửa hàng lên 480 cửa hàng (tăng 24,7%); (2) lợi ích kinh tế về quy mô trong quản lý hoạt động giúp giảm chi phí cố định trên mỗi cửa hàng, và (3) tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ doanh số bán hàng tăng giúp nâng cao khả năng thương lượng giá với nhà cung cấp.
Thành lập năm 2012, là một thành viên của Tập đoàn FPT (sở hữu 55% cổ phần), sau 5 năm hoạt động, FPT Retail nhanh chóng lọt vào Top 4 nhà bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam (tháng 7/2017), Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương (Retail Asia). Với doanh thu 15.717 USD/m2, FPT Retail là nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam theo bình chọn của Euromonitor và Retail Asia Publishing. Trước đó, từ năm 2015, FPT Retail là một trong các nhà bán lẻ hàng đầu về thị phần máy tính xách tay và các sản phẩm Apple tại Việt Nam và đứng thứ 2 về thị phần điện thoại di động.