Lễ cắt băng khai mạc
Đây là lần thứ V, Hội An tổ chức Festival nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để tìm kiếm đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức và thị trường quốc tế.
Văn nghệ chào mừng khai mạc
Dịp này, Làng lụa Hội An quy tụ được những đại diện lớn nhất của ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới: Italia, Pháp, Trung Quốc, Nhật bản, Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia… đưa sản phẩm đến tham dự các triển lãm, tham gia hội thảo nhằm tạo cơ hội khai thông con đường hợp tác và phát triển thị trường chung với thế giới cho thời trang tơ lụa.
Các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc, TPHCM, Hà Nội cũng góp mặt như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk.
Các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm Cơtu
Ngoài ra, Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm này còn thu hút sự tham gia nhiệt tình của những làng nghề trong cả nước như Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận với gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khơme ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơtu của vùng núi miền Trung Quảng Nam và Đà Nẵng với nhiều máy móc và sản phẩm về trình diễn kỹ thuật dệt và nhuộm truyền thống.
Hội thảo khoa học: “Ứng dụng khoa học –công nghệ trong sản xuất dâu tằm, tơ lụa và Văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại” quy tụ các bài nghiên cứu nhằm thúc đẩy hiện đại hóa ngành sản xuất tơ lụa theo kịp thế giới.
Trưng bày tơ lụa
Đặc biệt, Festival lần này giới thiệu và quảng bá Dòng sông lụa Quảng Nam nằm trên trục nối hai di sản Hội An, Mỹ Sơn đi qua những làng lụa Hội An, Mã Châu, vùng trồng dâu nuôi tằm Gò Nổi bên sông Thu Bồn, nhà máy ươm tơ Giao Thủy, những khu du lịch phát triển trên nền tảng không gian văn hóa dâu tằm.