Người Huế là chủ thể
Tinh gọn, đặc sắc, ít tốn kém, là đánh giá chung của người dân và du khách về Festiaval Huế 2018. Đặc biệt, chất Huế là chủ đạo trong “thực đơn” làm nên “đại tiệc” nghệ thuật của festival. Cùng với chương trình khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc do NSND Nguyễn Ngọc Bình (người con xứ Huế) làm tổng đạo diễn, “Văn hiến kinh kỳ” cũng do chính những người Huế viết kịch bản và đạo diễn. Lễ hội áo dài, cũng lần đầu tiên do một phụ nữ Huế là bà Nguyễn Lan Vi làm đạo diễn, trong khi “Âm vọng sông Hương” - một trong những chương trình “đinh” của Festival Huế 2018, có đến hơn 200 diễn viên quần chúng đều là dân chài “xịn” của Huế. Thật đến độ bà bán bún, o bán chè, người chài lưới, chèo đò trên sân khấu cũng làm nghề ấy ngoài đời thật.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2018, nói chắc nịch: “Gọn nhưng là tinh tuyển, chứ không đơn thuần là giảm bớt… Đã có rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Festival Huế 2018 nhưng ban tổ chức chỉ chọn lựa các chương trình nghệ thuật của 19 quốc gia, dựa trên tiêu chí: đặc sắc và mới lạ, không lặp lại chương trình mà họ đã đưa đến festival trước đây. Tâm huyết của chúng tôi là làm cho bản sắc văn hóa Huế đậm đà hơn, thể hiện đúng giá trị của nó. Người dân Huế được đặt đúng vị trí chủ thể của mùa lễ hội này…”.
Với hơn 20 tỷ đồng do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ, rất nhiều chương trình lớn tại Festival Huế lần này được thực hiện xã hội hóa gần như 100%, như các chương trình về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Âm vọng sông Hương” và “Tỏa sáng niềm tin”. Festival lần này còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng cách vận động các đoàn nghệ thuật chủ động lo chi phí liên quan đến đi lại, lưu trú, phương tiện biểu diễn trong những ngày đến Huế tham dự Festival Huế 2018.
Tạo nhiều sản phẩm du lịch mới
Không chỉ tạo nên mùa lễ hội mới cho Việt Nam, Festival Huế 2018 còn trình làng hàng loạt chương trình nghệ thuật “đinh” và kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách bốn phương. Ông Nguyễn Dung cho biết, ý tưởng của ban tổ chức rất rõ, chương trình được tổ chức biểu diễn tại Festival Huế 2018, sau đó sẽ được tiếp tục tổ chức, phục vụ du khách thường xuyên. Cụ thể nhất là chương trình “Văn hiến kinh kỳ”, chương trình áo dài, thời gian tới sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách tham quan hàng đêm.
Một mùa festival đặc sắc và mới lạ đang khép lại với nhiều lưu luyến trong lòng nghệ sĩ và du khách gần xa. Nghệ sĩ Bena Kang, đoàn múa Yun Myung Hwa và nhóm nhạc gugak E-sang (Hàn Quốc) cho biết, chưa lần nào có cảm xúc đặc biệt như thế. Đây là sân khấu nghiệp dư nhưng gần gũi, chân thật biết bao… Việc khán giả chăm chú thưởng thức các tiết mục và bày tỏ sự tán thưởng bằng những tràng pháo tay tạo cho chúng tôi cảm giác thăng hoa.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại ở Huế, Việt Nam. Thương hiệu Festival Huế góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn đối với bạn bè các nước. Qua đó, góp phần khẳng định một hướng đi đúng của Thừa Thiên - Huế, nhằm quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố festival đặc trưng, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam…
Kết thúc tour đầu tiên tại Festival Huế 2018, đã có gần 30 chương trình nghệ thuật và lễ hội được tổ chức. Những hoạt động hưởng ứng, như Liên hoan ẩm thực quốc tế; Chợ quê ngày hội… đã thu hút lượng khách lớn so với các kỳ festival trước. Ông Huỳnh Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết, qua ý kiến tham khảo, khán giả, giới chuyên môn và du khách đều đánh giá cao về các chương trình, chất lượng và hơn cả là “chất” riêng của Festival Huế 2018. Lượng khách du lịch đến Huế trong tour đầu tiên đạt gần 50.000 lượt/ngày. Ngành du lịch Huế chưa nhận bất kỳ phản ánh nào về tình trạng nâng giá; công tác vệ sinh thực phẩm, an ninh, an toàn cho du khách đang được đảm bảo.