Phản ứng dây chuyền
Chỉ số chứng khoán tại châu Á đã đồng loạt giảm điểm sau quyết định tăng lãi suất của FED. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 0,87% xuống 27.075,80 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 0,78% xuống 1.905,86 điểm. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 1,4%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm 2,6% xuống 17.965,33 điểm, chỉ số Tổng hợp Thượng Hải và chỉ số Tổng hợp Thâm Quyến lần lượt giảm 0,59% và 0,73%, xuống 3.098,77 điểm và 1.989,70 điểm.
Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại Wall Street cũng lao dốc với chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 đều giảm 1,7%, xuống còn 30.183,78 điểm và 3.789,93 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 1,8%, xuống còn 11.220,19 điểm.
Cùng lúc này, tỷ giá của nhiều đồng tiền lớn so với đồng USD cũng đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Tỷ giá đồng EUR so với đồng USD là 0,9814 EUR đổi được 1 USD.
Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp mới trong 37 năm là 1 bảng đổi 1,1225 USD. Tỷ giá các đồng nội tệ của Canada, Singapore và Trung Quốc với USD cũng đều giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Các quan chức FED đã nhấn mạnh mức tăng thêm 0,75 điểm % và 0,5 điểm % tại 2 cuộc họp còn lại trong năm nay. Ngoài việc tăng lãi suất, FED còn hạ thấp đáng kể các dự báo về tăng trưởng kinh tế, theo đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm 2022, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Lạm phát vào cuối năm cũng sẽ vẫn ở mức cao (5,4%), trước khi giảm xuống gần mức bình thường vào năm tới.
Các dự báo kinh tế mới được công bố từ giới chức Mỹ nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện ở mức 3,7%, sẽ tăng lên mức 3,8% vào cuối năm nay, trước khi tiếp tục tăng lên mức 4,4% vào cuối năm 2023. Nhìn chung, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5% thì sẽ kéo theo một cuộc suy thoái.
Làm khó các nước khác
Mục tiêu của FED khi nâng lãi suất là kiểm soát lạm phát, nhưng các nhà kinh tế học vẫn cảnh báo lạm phát có thể còn tồi tệ hơn. Mọi thứ từ thực phẩm, năng lượng đến kim loại đều trở nên đắt đỏ. Chi phí sinh hoạt cao đang khiến hàng triệu người Mỹ đau đầu, đẩy niềm tin tiêu dùng xuống thấp nhất.
Số liệu từ phân tích của hãng tin Bloomberg cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã có 4 tuần bán ròng liên tiếp trên các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á. Bloomberg dẫn lời ông Manishi Raychaudhuri, Trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng BNP Paribas, Pháp, cho rằng: “Rủi ro suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ tại các nền kinh tế phát triển đang gây tổn thất cho kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường chứng khoán châu Á, và vốn đang chảy khỏi các thị trường mới nổi”.
Việc FED nâng lãi suất không chỉ có tác động đến kinh tế Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác và gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển. Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo FED và các ngân hàng trung ương khác về rủi ro lan truyền với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ tổn thương.