Fast-déco đe dọa môi trường

Tại Pháp, fast-déco (xu hướng đồ nội thất, vật dụng trang trí nhanh và giá rẻ) đang bị một số hiệp hội tố cáo sản xuất dư thừa, kích thích tiêu dùng quá đà, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hao sức khỏe con người và xã hội.

Đồ nội thất, trang trí nhanh là nỗi lo đối với môi trường. Ảnh: PATRICK PERKINS
Đồ nội thất, trang trí nhanh là nỗi lo đối với môi trường. Ảnh: PATRICK PERKINS

Giữa tháng 5, Zero Waste France, hiệp hội chuyên vận động giảm xả thải và quản lý tài nguyên tốt hơn, cùng với tổ chức Les Amis de la Terre (Những người bạn của Trái đất) và Réseau national des ressourceries et recycleries (Mạng lưới quốc gia về tài nguyên và tái chế) đã công bố báo cáo về fast-déco, xu hướng đồ nội thất, vật dụng trang trí nhanh, giá rẻ mà họ xem là có phương thức hoạt động và tác hại tương tự như lĩnh vực fast-fashion (thời trang nhanh).

Trong giai đoạn 2017-2022, tại Pháp, số vật dụng nội thất và trang trí bán ra thị trường đã tăng vọt từ 270 triệu lên hơn 500 triệu sản phẩm. Các chuỗi cửa hàng đồ nội thất như Ikea, Maison du monde mỗi năm trình làng thêm vài ngàn sản phẩm mới. Các sản phẩm chỉ có giá trị ngắn ngày và theo chủ đề, theo mùa như Giáng sinh, Phục sinh, Halloween, lễ Tình nhân 14-2... Rác thải cũng theo đó tăng mạnh, phần lớn không được tái sử dụng hay tái chế.

Bà Manon Richert, phụ trách về truyền thông của Zero Waste France, cho biết ngoài sự thay đổi rất nhanh các bộ sưu tập, fast-déco đang diễn ra với các phương thức tiếp thị tới tấp, nhất là trên internet với phương thức Gamification (phương thức áp dụng các kỹ thuật và nguyên tắc trong trò chơi game, chẳng hạn về cách chơi, luật chơi, tích điểm, bảng xếp hạng, kỷ lục, thăng cấp… nhằm gợi hứng thú, khuyến khích khách hàng tương tác và mua sắm). Ngoài ra, các nhà sản xuất còn có chiêu hạ thấp chất lượng sản phẩm, đơn giản là để bán giá thấp. Tất cả những phương thức này đều có liên quan chặt chẽ với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, nhất là các video "đập hộp" sản phẩm mới. “Như vậy, chúng ta đang thực sự bị cuốn vào trò chơi mua sắm, bị thúc đẩy tiêu dùng”, bà Richert nói.

Theo Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng của Pháp (ADEME), 50-80% tác động các đồ nội thất đối với môi trường đến từ khâu sản xuất. Rất nhiều sản phẩm đồ nội thất được làm từ gỗ, đồng nghĩa với việc có những khu rừng không được quản lý bền vững. Ngoài vật liệu gỗ, ngày càng có nhiều đồ nội thất được làm từ nhựa. Nhưng cũng như gỗ, nhựa có tác động lớn đến môi trường ngay từ quá trình sản xuất, bởi nhựa được sản xuất từ ​​​​dầu mỏ. “Chúng ta cũng có rất nhiều vật dụng trang trí và đồ nội thất được làm bằng vật liệu hỗn hợp, tức là cần đến nhiều keo dán hơn, những thứ này có thể có hại cho sức khỏe con người”, bà Richert cảnh báo.

Để ngăn chặn xu hướng fast-déco, Zero Waste France đã đề nghị Chính phủ Pháp giảm số lượng đồ nội thất và vật dụng trang trí được bán trên thị trường Pháp; kiến nghị tăng gấp đôi số tiền đầu tư để phát triển việc làm bền vững trong lĩnh vực đồ nội thất và vật dụng trang trí. Hiệp hội này cũng đề nghị là phải đưa quy định để lĩnh vực đồ trang trí, nội thất tuân theo nguyên tắc: ai gây ô nhiễm thì phải trả tiền (chi phí phát sinh từ các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và chống ô nhiễm phải do người gây ô nhiễm gánh chịu). “Phải mở rộng trách nhiệm cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực nội thất. Và giống như đối với fast-fashion, chúng tôi yêu cầu phải hạn chế, điều chỉnh và giám sát các hoạt động tiếp thị và quảng cáo kích thích tiêu dùng quá mức”, bà Richert nhấn mạnh…

Tin cùng chuyên mục