Xu hướng bán hàng đa kênh phát triển vài năm gần đây, đặc biệt ngày càng rõ nét hơn trong năm 2018 vừa qua. Đây cũng là cách mà những người bán hàng online tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội mang lại. Có tới 97% cửa hàng cho biết họ đang bán hàng trên 2 kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng có bán tối thiểu trên 5 kênh khác nhau. Xét về mức độ được sử dụng, tốp 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến nhất của các cửa hàng lần lượt là Facebook (87%), website (82%), cửa hàng/showroom (80%), đại lý/cộng tác viên (60%) và các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) với 58%.
Trong số những người sử dụng các kênh bán hàng, Facebook là kênh đứng đầu trong tốp các kênh được đánh giá mang lại hiệu quả tốt, cụ thể có tới 97% cửa hàng có sử dụng đánh giá mang lại hiệu quả tốt, tỷ lệ này ở kênh bán tại cửa hàng là 86%, đại lý/cộng tác viên là 85%, website là 83%. Đặc biệt, tỷ lệ các shop đánh giá sàn giao dịch TMĐT năm 2018 là 73%, tăng gấp 2,5 lần so với tỷ lệ các shop đánh giá kênh này hiệu quả trong năm 2015 (chỉ có 27% đánh giá có hiệu quả).
Quảng bá sản phẩm, gian hàng trên mạng xã hội là xu hướng đang được quan tâm phát triển. Theo khảo sát, trong năm 2018, trung bình mỗi cửa hàng chi khoảng 10,4 triệu đồng/tháng để tiếp thị, quảng cáo, tăng hơn 1 triệu đồng/tháng so với năm 2017. Ngân sách trung bình tiếp thị tại cửa hàng là cao nhất với 88 triệu đồng/năm/shop, sau đó lần lượt là website 79,2 triệu đồng/năm/shop, quảng cáo Facebook 75,2 triệu đồng/năm/shop và sàn TMĐT 58,5 triệu đồng/năm/shop. Tốp 5 kênh tiếp thị được các cửa hàng sử dụng phổ biến nhất bao gồm tiếp thị, quảng cáo trên Facebook (80,5% có sử dụng), tổ chức chương trình tiếp thị tại cửa hàng (59,8%), SEO website (51,1%), đăng bài trên các diễn đàn, trang rao vặt (51,1%) và chạy quảng cáo Google (50,6%)… Những con số này phần nào cho thấy, các mạng xã hội đã và đang kiếm tiền một cách khá dễ dàng và vòng tiền lưu thông bên trong đó rất khó thoát ra ngoài.
Khảo sát cũng cho thấy rằng các cửa hàng có tăng trưởng đầu tư ngân sách quảng cáo nhiều hơn so với các cửa hàng không tăng trưởng, đặc biệt trong 2 kênh là sàn TMĐT và Facebook. Cụ thể, ở các cửa hàng có tăng trưởng, trung bình ngân sách tiếp thị trong năm 2018 chi cho các kênh sàn là gần 23 triệu đồng/năm, kênh Facebook là hơn 65 triệu đồng/năm. Trong khi đó, các cửa hàng không tăng trưởng chi ngân sách cho kênh sàn và kênh Facebook lần lượt ở mức gần 17 triệu đồng và 52 triệu đồng.
Bên cạnh những bí kíp như tập trung vào sản phẩm, tối ưu chính sách giá và dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng... hầu hết các cửa hàng có tăng trưởng trong năm 2018 chia sẻ: đó là mở rộng các kênh bán hàng hiện đại, tham gia các sàn thương mại điện tử và tăng cường ngân sách quảng cáo trên các kênh online như Facebook, website. Tất cả cho thấy buôn bán online không thể tách rời các nền tảng mạng xã hội, ít nhất là thời điểm hiện nay và trong đó Facebook và Google đang “nắm” hết các shop buôn bán online.
Trong năm vừa qua, Zalo với lợi thế là nền tảng mạng xã hội của Việt Nam đã có nhiều cố gắng tiếp cận thị trường và trở thành một kênh tư vấn trực tiếp cho khách hàng, được khá nhiều shop sử dụng. Xét về các kênh tiếp thị được các cửa hàng có sử dụng đánh giá hiệu quả tốt đứng đầu là tiếp thị quảng cáo trên Zalo với 55,1% cửa hàng có sử dụng đánh giá mang lại hiệu quả tốt, sau đó là đăng bài trên các diễn đàn rao vặt (53,9%) và phát tờ rơi/poster (51,5%). |