Ngoài ra, hãng này cũng hủy ứng dụng có tên myPersonality do ứng dụng này chia sẻ thông tin người dùng với những nhà nghiên cứu và công ty với tính bảo mật thấp.
Phó Chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm của Facebook Ime Archibong cho biết những ứng dụng bị tạm dừng do “những quan ngại về những lập trình viên” - những người xây dựng các ứng dụng - và xác định cách thức người dùng chia sẻ thông tin với ứng dụng như thế nào. Ngoài ra, theo Techcrunch, hãng đã hủy ứng dụng có tên myPersonality do ứng dụng này chia sẻ thông tin người dùng với những nhà nghiên cứu và công ty với tính bảo mật thấp. Theo ông Archibong, Facebook có kế hoạch thông báo cho gần 4 triệu người dùng đã chia sẻ thông tin với myPersonality, vốn hoạt động chủ yếu trước năm 2012.
Facebook đã xúc tiến cuộc điều tra sau khi vụ bê bối dữ liệu thông tin của mạng xã hội này vỡ lở hồi đầu tháng 3 có liên quan đến công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica của Anh. Trang mạng xã hội đình đám này thừa nhận có đến 87 triệu người dùng Facebook có thể đã bị công ty tư vấn này sử dụng trái phép dữ liệu. Trong khi đó, Cambridge Analytica bác bỏ cáo buộc này và đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ và Anh. Tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg đã phải xin lỗi trước Nghị viện châu Âu vì những “tổn hại” của vụ rò rỉ dữ liệu người dùng gây ra và việc không ngăn chặn được nạn tin giả mạo.
Trước đó, ngày 22-8, trong một nỗ lực nhằm hạn chế những trường hợp “tấn công” bằng cách report một thông tin hay bài đăng, Facebook thông báo sắp tung ra tính năng mới, chấm điểm từng tài khoản nhằm đánh giá uy tín thông qua các nội dung có liên quan. Theo Washington Post, khi người dùng báo cáo một thông tin là “fake news”, nhưng thực tế lại là tin chính xác, điểm tin cậy của họ sẽ bị trừ, đồng thời sẽ bị hạn chế đánh giá trong tương lai. Ngược lại với các báo cáo chính xác, người dùng sẽ được tăng điểm cũng như quyền hạn báo cáo.