Hai cơ quan kiểm chứng trên sẽ được phép tiếp cận các tin tức bị cộng đồng sử dụng Facebook tố cáo là tin giả để phân tích tính xác thực. Tất cả các nội dung được xác định là thất thiệt sẽ bị hạn chế một cách triệt để. Trong khi đó, các trang Facebook liên tục chia sẻ các “fake news” sẽ bị hạn chế độ lan tỏa.
Thông cáo ngày 10-5 của Facebook cho biết, với cam kết đấu tranh chống nạn phát tán tin giả trên mạng xã hội, việc hợp tác với Aos Fatos và Agencia Lupa được đánh giá là một bước tiến quan trọng nữa của Facebook để cải thiện chất lượng thông tin được chia sẻ trên trang mạng này.
Các tin được đánh giá là giả mạo sẽ không được đưa lên nền tảng của Facebook, trong khi các trang thường xuyên đăng tải những tin tức có nội dung giả mạo sẽ không được sử dụng các công cụ quảng cáo để thu hút độc giả.
Đây là một trong những nỗ lực thực hiện cam kết của Giám đốc điều hành kiêm người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Ông đã cam kết tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp nền tảng của mạng xã hội này trong các cuộc bầu cử, trong đó có cuộc bầu cử tại Brazil.
Ngày 10-5, Facebook cũng cho biết sẽ đề nghị người sử dụng tại châu Âu cho biết nguồn thông tin nào họ cho là đáng tin cậy, qua đó giúp mạng xã hội lớn nhất thế giới này đánh giá có tiếp tục điều chỉnh trên phần News feed cho phép “lọc” các thông tin sai lệch như đã làm từ hồi đầu năm ở Mỹ hay không.
Theo đó, Facebook sẽ tiến hành các cuộc khảo sát đối với người dùng tại Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha nhằm tìm hiểu họ có theo dõi thông tin của các phương tiện truyền thông như BBC News hay The Guardian hay không, và họ có tin những nguồn tin này không.
Trước đó, Facebook thông báo tạo thêm chức năng giúp người dùng chấm điểm độ tin cậy của các nguồn thông tin xuất hiện trên tài khoản của mình.