Đánh giá đúng quan điểm “nghỉ hưu”
Chị Nguyễn Thu Hiền, 31 tuổi (quê Phú Yên) đang trong thời gian bàn giao công việc ở công ty xuất nhập khẩu nơi chị công tác thì tình hình dịch bệnh căng thẳng. Không phải chị Hiền nghỉ công việc này, tìm công việc khác phù hợp hơn, mà chị tuyên bố nghỉ hưu sau 10 năm đi làm với gần 500 triệu đồng tiền tiết kiệm.
Nghe tin chị Hiền nghỉ hưu, người thân lo lắng, rồi bạn bè cũng góp ý nhưng chị kiên trì bảo vệ quyết định của mình. Chị Hiền dẫn chứng hàng loạt bài viết về những người trẻ nghỉ hưu ở tuổi U30, U40 và càng thể hiện quyết tâm ấy. “Sau 12 giờ làm việc mỗi ngày, tôi đều tự hỏi mình làm vậy có hạnh phúc không. Lúc nào câu trả lời cũng là “không”. Tôi có một ít tiền tiết kiệm, sau nghỉ việc, nếu sống giản đơn ở quê, xài 2 triệu đồng/tháng thì cũng ổn”, chị Hiền tính toán.
Bạn tôi, một bác sĩ trẻ cũng quyết định nghỉ hưu sau 5 năm công tác tại một bệnh viện tư ở quận Phú Nhuận, TPHCM. Bạn cho hay, đã có những năm tháng học hành vất vả, rồi khi tốt nghiệp đi làm thì luôn áp lực, mệt mỏi vô cùng. “Có những ngày, tôi chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ việc nên không thể tập trung vào công việc. Tôi cũng đã liên hệ với một vài người nghỉ sớm có thông tin trên mạng, thấy thật sự hào hứng với cuộc sống không phải bon chen, không áp lực. Tôi cũng không phải là người đam mê vật chất, sống thế có khi lại hay”, bạn nói như đã tìm ra chân lý của cuộc đời mình.
Theo dõi các thông tin liên quan đến chủ đề “nghỉ hưu tuổi 30” trên các diễn đàn thời gian qua, Nguyễn Hoàng Hải, sinh viên năm 4 Trường ĐH Luật TPHCM, cho rằng, cần nhìn nhận lại và đánh giá đúng quan niệm “nghỉ hưu” mà người trẻ đang chạy theo. Theo Hoàng Hải, trong các quy định về hưu trí thì nghỉ hưu là việc một người lao động khi đến một độ tuổi nhất định, điều kiện sức khỏe nhất định, sẽ không làm việc nữa. Còn những nhân vật tuyên bố mình nghỉ hưu xuất hiện trên các diễn đàn thì chưa hẳn. “Họ vẫn có những dự định về công việc cụ thể cho bản thân ở những năm tiếp theo. Vì vậy, cần phải xác định rõ, không nên đánh đồng quan niệm nghỉ hưu với chuyển hướng công việc, hoặc thay đổi lối sống, để một bộ phận người trẻ lầm tưởng”, Hoàng Hải bày tỏ quan điểm.
Ngay trong một số bài viết mà chị Hiền hay bạn tôi dẫn chứng, tôi thấy có người chưa hẳn là nghỉ hưu mà chọn làm một công việc khác, tự do hơn công việc cũ mà vẫn cho thu nhập tốt. Quan trọng, người này vẫn sử dụng chất xám, kiến thức và kinh nghiệm tích lũy suốt thời gian đi làm để thi thoảng đầu tư vào những thương vụ mua bán...
Đừng tự đánh mất giá trị bản thân
Chia sẻ về quan điểm “nghỉ hưu” ở tuổi 30, một nhà giáo ưu tú vừa trải qua cú sốc về hưu, cho rằng cần phải nghiêm túc suy nghĩ cho quyết định ấy. Theo vị này, tuổi 30 - 40 là lứa tuổi đẹp nhất để cống hiến, là tuổi đã ít nhiều có kinh nghiệm và đang trên đà thăng tiến trong công việc. Nếu nghỉ ở tuổi này, không chỉ bản thân mất đi cơ hội được cống hiến, mà xã hội cũng mất đi những lao động có chất lượng, được đào tạo bài bản. “Ở tuổi này, cuộc sống có ý nghĩa nhất là khi mình có giá trị với gia đình và xã hội. Nếu buông bỏ giá trị bản thân quá sớm để chạy theo cuộc sống an yên thì liệu có quá ích kỷ?”, vị này bày tỏ.
Ở góc độ một người làm kinh tế, anh Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH TL (TP Thủ Đức), cũng bất ngờ với câu chuyện “nghỉ hưu” sớm của người trẻ. Anh Bình phân tích: “Khi người trẻ thu mình lại, sống an yên, không cống hiến, không phấn đấu thì khi gia đình cần, xã hội cần, đất nước cần, nguồn lực nhân dân ở đâu ra. Đơn cử như dịch bệnh, nếu các bạn chỉ thích cuộc sống sáng dậy tập yoga, chiều đi hái rau, tối về đọc sách thì đâu có những người chung tay chống dịch, có mặt ở tuyến đầu, hay chăm lo cho dân”.
Vẫn biết, trong quá trình làm việc, không tránh khỏi những lúc các bạn chán nản, mệt mỏi. Thay bằng “nghỉ hưu”, tại sao người trẻ không dành 1 - 2 năm để nghỉ ngơi (giới trẻ trên thế giới hay gọi là “gap year”). Thời gian đó đủ để các bạn “F5” lại mình và khi trở lại công việc thì vẫn kịp để mình không quá lỗi thời với thị trường lao động luôn phải thay đổi, cập nhật mỗi ngày.