Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức, các quận huyện; bệnh viện công lập và ngoài công lập; Bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC); Trung tâm Cấp cứu 115; Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận huyện; Cơ sở cách ly tập trung F0 TP Thủ Đức và quận huyện; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc triển khai quản lý sức khỏe F0 cách ly tại nhà.
Theo đó, để đảm bảo F0 cách ly tại nhà được quản lý và theo dõi sức khỏe, kịp thời được hỗ trợ y tế khi có các triệu chứng chuyển nặng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Thủ Đức, các quận huyện và phường, xã chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe những người mắc mới được cách ly tại nhà hướng đến mục tiêu phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng và can thiệp, điều trị kịp thời.
Truy xuất và quản lý danh sách người mắc đang cách ly tại nhà trên địa bàn quận huyện, phường, xã bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” của Sở Y tế.
Người mắc Covid-19 được phát hiện từ nhiều nguồn, nơi nào phát hiện thì nơi đó phải lập danh sách và chuyển thông tin trên phần mềm về Trạm Y tế (nơi người mắc dự kiến cách ly tại nhà) để quản lý và theo dõi.
Bên cạnh đó, nơi phát hiện phải có trách nhiệm hướng dẫn người mắc tuân thủ các quy định khi cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện); hướng dẫn người mắc liên hệ với y tế địa phương khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường, nhập thông tin người mắc vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”.
Hàng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chỉ đạo Trạm Y tế tra cứu trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” để biết danh sách người mắc đang quản lý.
Căn cứ danh sách người mắc trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”, Trạm Y tế phải phối hợp Tổ Covid-19 cộng đồng đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin.
Nếu đủ điều kiện, người mắc tiếp tục cách ly tại nhà, nếu không đủ điều kiện, chuyển người mắc phải đến cơ sở y tế được phân công điều trị để cách ly theo quy định.
Đồng thời cung cấp tờ rơi để hướng dẫn người mắc cách ly tại nhà; hướng dẫn người mắc khai báo tình trạng sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng “Y tế HCM”; hướng dẫn người mắc nhận biết các triệu chứng cần liên hệ nhân viên y tế, cung cấp số điện thoại để người mắc liên hệ khi cần. Cung cấp các thuốc nâng cao thể trạng và thuốc y học cổ truyền cho người mắc (nếu có).
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chỉ đạo Trạm Y tế theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của người mắc đang cách ly tại nhà qua tài khoản quản trị của phần mềm “Khai báo y tế điện tử"" đã được Sở Y tế cấp cho các Trạm Y tế để can thiệp điều trị kịp thời.
Đồng thời thành lập Tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã với thành phần bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế, Trung tâm Y tế, Bệnh viện quận, huyện, Công an, Đoàn thanh niên.... Trong đó, nhân viên y tế của Trạm Y tế chịu trách nhiệm chính trong công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.
Khi nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn, Tổ phản ứng nhanh phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi (khó thở, tím tái, lơ mơ...) để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân.
Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe vận chuyển người bệnh; đảm bảo trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy (mask, canula...), máy đo SpO2. Trong trường hợp xe đã được huy động cho trường hợp cấp cứu khác thì gọi “115” để được hỗ trợ.
Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, Trạm Y tế phải cập nhật hành động xử trí và kết quả xử trí vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” nhằm quản lý đầy đủ thông tin sức khỏe của người mắc, thuận tiện cho việc theo dõi và báo cáo.
Trước khi kết thúc thời gian cách ly, Trạm Y tế phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 (test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn), nếu kết quả xét nghiệm âm tính, cập nhật kết quả xét nghiệm và xác định kết thúc thời gian cách ly trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” và “Khai báo y tế điện tử”. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly.
Sở Y tế TPHCM yêu cầu, ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá điều kiện cách ly tại nhà trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin. Quản lý danh sách người mắc và theo dõi toàn bộ sức khỏe của người mắc từ khi bắt đầu cách ly đến khi kết thúc thời gian cách ly.
Thành lập Tổ phản ứng nhanh phân công trực 24/7 để tiếp nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng xe vận chuyển người bệnh, các dụng cụ, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu cơ bản cho việc cấp cứu người bệnh.
Đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho tài xế xe vận chuyển và các thành viên của Tổ phản ứng nhanh trong giờ trực. Thông báo cho người nhiễm kết thúc thời gian cách ly tại nhà. Định kỳ hàng ngày báo cáo tình hình quản lý người cách ly tại nhà cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, TP Thủ Đức bố trí khu vực cấp cứu với đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc tại mỗi cơ sở cách ly tập trung F0 quận, huyện, phường, xã; chọn 1 hoặc vài cơ sở cách ly tập trung chuyên tiếp nhận người mắc có triệu chứng, nếu đủ điều kiện thì chuyển đổi trở thành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 của TP Thủ Đức, quận, huyện.
Thành lập Tổ phản ứng nhanh của quận, huyện để tham gia công tác cấp cứu các trường hợp nặng và nguy kịch cho người dân trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng xe vận chuyển người bệnh, xe cấp cứu của các bệnh viện quận, huyện, các dụng cụ, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu cơ bản cho việc cấp cứu người bệnh.
Đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho nhân viên y tế, nhân viên phụ trách Tổ phản ứng nhanh trong giờ trực. Huy động các nguồn nhân lực từ y tế tư nhân, nhân viên hưu trí hoặc các lực lượng tình nguyện tham gia chăm sóc và tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Chỉ đạo Trung tâm Y tế định kỳ hàng ngày báo cáo tình hình quản lý người cách ly tại nhà cho HCDC.