Chiều 19-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh chủ trì buổi họp báo.
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 18-9, TPHCM có 331.569 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện đang điều trị cho 41.193 bệnh nhân.
Trong ngày 18-9 có 2.637 bệnh nhân xuất viện (tổng số cộng dồn là 169.201), có 182 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số cộng dồn là 13.281 trường hợp).
Về công tác tiêm vaccine Covid-19, tính đến ngày 18-9, TPHCM đã tiêm được 8.735.784 mũi, tăng 68.232 mũi vaccine so với ngày 17-9. Về túi an sinh, lũy kế từ ngày 15-8 đến 19-9, Trung tâm An sinh đã chuyển 1.828.070 túi đến các quận huyện và TP Thủ Đức, tăng 29.000 túi so với ngày 18-9.
Thông tin về việc tổ chức lưu thông giữa các tỉnh, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, Sở đã xây dựng Bộ tiêu chí an toàn của ngành GTVT trong giai đoạn dịch bệnh, áp dụng trên địa bàn TPHCM.
Trong quá trình triển khai, tùy từng địa phương có thể nghiên cứu, xem xét, liên quan đến việc tổ chức lưu thông liên vùng. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn lưu thông đảm bảo hoạt động vận tải thuận lợi.
Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn nhất định, như một số địa phương có cách làm chưa phù hợp và đã điều chỉnh. Sở GTVT TPHCM đã phối hợp với Sở GTVT TPHCM địa phương để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương và Bộ GTVT giải quyết các vướng mắc. Đối với luồng xanh tại TPHCM, từ khi triển khai đến nay không vướng mắc, hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các lái xe có vi phạm. Ví dụ, trường hợp tài xế từ Bình Dương lên TPHCM cố ý thay đổi kết quả dương tính sang âm tính để được lưu thông.
“Về nguyên tắc, tài xế không cần có giấy xét nghiệm âm tính nhưng trong một số trường hợp thì ngành vẫn có quyền yêu cầu kiểm tra, xử lý nếu vi phạm”, ông Phạm Công Bằng thông tin.
Tăng đột biến lượng shipper đăng ký hoạt động
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, ngày 17-9, ghi nhận có 24.200 shipper hoạt động với 543.477 đơn hàng (gấp đôi so với thời điểm trước đó). Ngày 19-9, có 82.160 shipper đăng ký hoạt động, do đó, Sở Công thương TPHCM đã đề nghị Sở Y tế TPHCM hỗ trợ phân bổ nguồn lực xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian đầu, Sở Y tế TPHCM phối hợp với Sở Công thương TPHCM xét nghiệm miễn phí cho 17.800 shipper (giai đoạn từ 31-8 đến 6-9).
Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận huyện để cung ứng test nhanh đảm bảo xét nghiệm cho mức 20.000 shipper. Tuy nhiên đến nay, có trên 92.000 shipper đã đăng ký và cần làm xét nghiệm là quá tải so với năng lực các trạm y tế.
“Việc xét nghiệm được giao cho các trạm y tế lưu động với 501 trạm và 1.200 nhân lực, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất của các trạm y tế lưu động là chăm sóc F0 tại nhà, sau đó mới là hỗ trợ xét nghiệm và tiêm vaccine. Đến nay, các trạm y tế lưu động đã hoàn thành các nhiệm vụ rất tốt. Nhưng khi con số cần xét nghiệm cho shipper tăng gấp 5 lần và thời gian kéo dài, thì cả HCDC và các trạm đều lúng túng. HCDC và trung tâm y tế quận huyện sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ này”, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ.
Thông tin thêm về 50 F0 được cấp giấy đi đường để lưu thông, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho rằng, đây là các trường hợp thuộc diện cấp giấy đi đường nhưng sau đó mắc Covid-19. Công an TPHCM đã kiểm tra và xác định không có vi phạm trong việc cấp giấy. Với các F0 được phát hiện khi lưu thông, Công an TPHCM đều rà soát, kiểm tra, xác minh làm rõ xem cấp đúng đối tượng hay không, có sự cố ý vi phạm của F0 hay không?
“100% các trường hợp khi lưu thông không biết mình là F0. Lý do là có độ trễ. Khi Công an TPHCM cập nhật dữ liệu, cho đến khi bệnh nhân đi xét nghiệm rồi có kết quả PCR, danh sách cập nhật có độ trễ có khi từ 1 đến 3 ngày, thậm chí đến 5 ngày. Do đó, người lưu thông cũng không biết mình là F0”, Thượng tá Lê Mạnh Hà phân tích và khẳng định F0 cách ly tại nhà cố ý lưu thông sẽ bị xử lý nghiêm, nếu làm lây lan dịch bệnh và hậu quả nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.
Về việc kiểm tra tại các chốt kiểm soát, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TPHCM có thể yêu cầu song song mã QR và cả giấy đi đường. Lý do là hiện tại, vẫn chưa cập nhật thống kê đầy đủ số giấy đi đường được cấp ra, đề phòng trường hợp người dân cho mượn mã QR hoặc không đúng tên trên bảng đeo. Tùy trường hợp, công an sẽ yêu cầu kiểm tra cả mã QR và giấy đi đường.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP về việc các tình nguyện viên (TNV) phục vụ tại Bệnh viện dã chiến và thu dung điều trị Covid-19 theo Đoàn của Giáo hội Phật giáo TP trong vòng 1 tháng, đến nay vẫn chưa được thông báo kết thúc để trở về, gây ảnh hưởng đến kế hoạch công việc của TNV, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho rằng, đối với lực lượng TNV tôn giáo, ngành y tế có một chế độ đặc biệt thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền TPHCM. Thời gian qua, lực lượng TNV tôn giáo đã đóng góp tích cực với ngành y tế, đặc biệt là với các trung tâm hồi sức, Bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân Covid-19. |