Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Trung Kiên (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), cho biết: Trong tháng 8 vừa qua, ngành điện TPHCM có thay đổi ngày ghi chỉ số điện từ những ngày trong tháng chuyển sang ngày cuối tháng cho khoảng 400.000 khách hàng trên toàn thành phố. Việc thay đổi này mục đích để phục vụ khách hàng được tốt hơn. Đầu tiên, việc này giúp khách hàng nhớ ngày ghi điện là cuối tháng. Thứ đến, thời gian sử dụng điện trọn trong tháng nên dễ phân biệt được lượng điện năng sử dụng từng tháng (so với trước, có thể là nửa tháng trước đến nửa tháng sau, chứ không phải trọn một tháng dương lịch) để điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng điện. Động thái này ngành điện cũng đã cân nhắc và lựa chọn thời điểm phù hợp, chứ không làm vào giữa tháng nắng nóng.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM Bùi Trung Kiên |
PHÓNG VIÊN: Trong bối cảnh người dân TPHCM còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm hơn trước, thì việc họ trả tiền điện cho hóa đơn lần này khá cao cũng là một áp lực, thưa ông?
Ông BÙI TRUNG KIÊN: Đầu tiên, tôi khẳng định là giá điện không tăng. Ngành điện có tăng giá vào tháng 5 vừa qua với mức 3%, từ đó đến nay áp dụng mức giá này cho khách hàng. Còn đợt này chúng tôi chuyển ngày ghi điện. Và ngày ghi điện tăng lên thì tương ứng với khách hàng trả tiền nhiều hơn so với 30 ngày hoặc 31 ngày bình thường. Đây có thể gọi là sản phẩm “dùng trước trả sau”. Thay vì chúng ta 30 ngày sẽ trả tiền điện, bây giờ 45-50 ngày dùng thì sẽ trả tiền điện. Như vậy, chắc chắn lượng điện dùng nhiều hơn và số tiền phải trả nhiều hơn, nhưng đơn giá không thay đổi.
Ví dụ, nếu chu kỳ ghi điện như hiện nay đến giữa tháng 8-2023, định mức điện tiêu thụ bậc 1 (giá 1.728 đồng/kWh) sẽ được tính cho 50 kWh đầu tiên, nhưng nếu kéo dài đến ngày 31-8, thì giá bậc 1 (1.728 đồng/kWh) sẽ được tính cho 90 kWh đầu tiên. Tương tự, giá bậc 2 (1.786 đồng/kWh) sẽ được tính cho 90 kWh đầu tiên, không phải cho 50 kWh như bình thường. Các bậc giá sau cũng được kéo dài tương tự. Như vậy, người dân phải trả tiền điện nhiều hơn là do chu kỳ tính tiền điện được kéo dài ra, chứ không phải do thay đổi về giá điện. Bản thân EVNHCMC là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành chứ không được tự ý thay đổi giá điện.
Nếu thực hiện chia chu kỳ ghi điện ngay vào cuối tháng 7-2023, số tiền điện khách hàng phải trả sẽ ít hơn. Vì sao EVNHCMC không chọn phương án này mà lại gộp chung vào tháng 8, khiến nhiều hộ gia đình “sốc” với tiền điện?
Việc chuyển ngày ghi điện về cuối tháng thì sẽ kéo dài số ngày sử dụng điện, tương ứng với định mức điện của khách hàng cũng tăng theo, song tổng số tiền sẽ không đổi. Chúng tôi cân nhắc thực hiện việc này để làm sao thuận tiện nhất cho khách hàng, tuy nhiên số tiền sẽ nhiều hơn so với chi trả hàng tháng. Một số khách hàng thắc mắc vì sao không tách ra 2 kỳ hóa đơn để số tiền sử dụng ít lại, tuy nhiên, theo Điều 17 Nghị định 137 năm 2013 có quy định các ngành dịch vụ như ngành điện, mỗi năm không được phát hành quá 12 kỳ hóa đơn. Nếu trong tháng chuyển ngày ghi điện mà phát hành 2 kỳ hóa đơn, thì năm nay EVNHCMC phát hành đến 13 kỳ hóa đơn là vi phạm quy định. Thêm nữa, nếu phát hành thêm 1 kỳ hóa đơn sẽ phát sinh thêm chi phí, trong khi ngành điện đang thực hiện tiết kiệm để giảm những khoản chi phí lỗ trong thời gian qua.
Thực tế thì có rất nhiều khách hàng cho biết không nhận được thông tin là sẽ điều chỉnh phiên ghi điện như ngành điện từng thông báo. Đến khi cầm hóa đơn trên tay, họ mới “té ngửa” vì giá tiền tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với hóa đơn trước đây. Ông chia sẻ như thế nào về công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân về việc điều chỉnh phiên ghi điện?
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho việc thay đổi ghi tiền điện. Đầu tiên là chúng tôi thông báo đến chính quyền địa phương, qua đó nhờ chính quyền địa phương - cơ quan sát sườn với người dân, tuyên truyền. Thứ hai, chúng tôi có gửi qua các kênh thông tin như Zalo, qua số điện thoại đăng ký, qua ứng dụng Chăm sóc khách hàng của khách hàng có đăng ký đợt chuyển ngày ghi điện. Chúng tôi thống kê lại, hầu như các khách hàng đều nhận thông tin việc thay đổi này. Đối với những khách hàng chưa nhận được, tôi thấy có một vài nguyên nhân. Đầu tiên là chưa cài ứng dụng Chăm sóc khách hàng. Thứ hai, người trả tiền điện không phải là người đăng ký nhận thông tin của ngành điện lực. Qua việc này, chúng tôi mong muốn khách hàng nên cài ứng dụng Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC, để nhận được thông tin một cách chính xác và nhanh nhất.