EVN tiếp tục lo tài chính khó khăn

Giá thành sản xuất kinh doanh điện hiện đã vượt mức giá bán lẻ bình quân là 167,82 đồng/kWh, nên ngành điện tiếp tục lo đối mặt tình hình tài chính khó khăn, nguy cơ hết tiền.
Công nhân điện lực thi công hệ thống truyền tải điện
Công nhân điện lực thi công hệ thống truyền tải điện

Ngày 5-4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sản lượng điện sẽ tiêu thụ bình quân trong tháng 4-2023 ở mức 745 triệu kWh/ngày. Mục tiêu vận hành hệ thống trong tháng 4 là tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng vương, dịp lễ 30-4 và 1-5.

Trong quý 1, cơ cấu nguồn điện như sau: thủy điện đạt 15,38 tỷ kWh, chiếm 24,9%; nhiệt điện than huy động đạt 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3%; tourbin khí đạt 7,14 tỷ kWh, chiếm 11,6%; năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỷ kWh, chiếm 16,5% (trong đó điện mặt trời đạt 6,45 tỷ kWh, điện gió đạt 3,47 tỷ kWh); điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%.

Trong quý 1, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; hệ thống điện đáp ứng yêu cầu phụ tải và có dự phòng. Tuy nhiên EVN tiếp tục báo cáo tình hình tài chính, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ năm 2019 đến nay, khiến tình hình tài chính của EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN.

Báo cáo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN là 2.032,26 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (giá điện hiện nay là 1.864,44 đồng - đã áp dụng từ năm 2019 đến nay) là 167,82 đồng/kWh. Tính ra, giá thành năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021 (trong khi giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020).

Do chi phí và giá thành tăng cao nhưng không tăng giá điện, nên kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022, EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng.

Kế hoạch tháng 4 và quý 2-2023, EVN cho biết sẽ tiết kiệm triệt để thủy điện đa mục tiêu, nhất là các thủy điện ở miền Bắc để giữ nước, đảm bảo cung cấp điện lâu dài đến hết mùa khô. Đối với nhiệt điện than, tourbin khí, sẽ huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tourbin khí để giữ nước các hồ thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu huy động theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chống quá tải lưới điện và chất lượng điện áp.

Tin cùng chuyên mục