Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, với cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá của Chính phủ, rất nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đang “chạy đua” với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019.
Theo kế hoạch, có tổng cộng 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện trong các tháng 4, 5 và 6-2019.Tính đến ngày 26-5, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã đóng điện của 34 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất lên tới gần 2.200MW. Dự kiến đến ngày 30-6, sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại.
Khó khăn nhất hiện nay của các dự án điện mặt trời là chỉ có cao điểm phát trong khoảng 12- 13 giờ trưa, không trùng với cao điểm phụ tải hệ thống điện (lúc 10 giờ sáng và 14 giờ chiều), lại tập trung chủ yếu tại 6 tỉnh ở miền Trung và miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải.
Vì vậy, theo Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, EVN đã đề xuất với Chính phủ bổ sung phát triển các dự án lưới điện và đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời.
* Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Công thương góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, Bình Thuận đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng quy định giá mua điện mặt trời thống nhất trên toàn quốc để thu hút các thành phần kinh tế có năng lực tham gia khai thác lợi thế tài nguyên năng lượng mặt trời.