Ngày 21-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh và cung ứng điện năm 2022 và các mục tiêu, giải pháp đề xuất cho năm 2023.
Theo báo cáo về quy mô hệ thống điện, tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện của toàn hệ thống đạt khoảng 77.800MW (tăng gần 1.400MW so với năm 2021.
Quang cảnh hội nghị của EVN sáng 21-12 |
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống năm 2022 là 268,4 tỷ kWh (tăng 5,26% so với năm 2021). Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh (tăng 6,08% so với năm 2021). Lượng điện thương phẩm của toàn EVN năm 2022 là 242,3 tỷ kWh (tăng 7,53% so với năm 2021).
Đưa điện lưới tới các đảo xa |
Để giảm bớt lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, tập đoàn này đã phải quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm các chi phí, tối ưu hóa dòng tiền và hoạt động tài chính, vận hành tối ưu hệ thống điện để phát huy tối đa nguồn thủy điện…
Cụ thể, EVN đã nỗ lực tiết kiệm được 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định. EVN đã thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, tăng thu tối đa cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022 (bao gồm cả tạm ứng cổ tức). Cùng với đó, huy động tối đa các nhà máy thủy điện (với lợi thế chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than cho các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện…
“Tổng các khoản mà EVN đã triển khai để giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh điện là 33.445 tỷ đồng”, báo cáo của EVN cho biết. Thế nhưng, theo đánh giá của EVN, năm 2022 là năm rất khó khăn với tập đoàn này và các đơn vị thành viên.
Mặc dù doanh thu toàn tập đoàn vượt kế hoạch, song do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng rất cao, đồng thời tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cảng vận chuyển than cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện |
Cụ thể, doanh thu của EVN năm 2022 đạt 460,73 tỷ đồng (tăng 4,31%). Mặc dù đã nỗ lực để giảm chi phí nhưng các giải pháp nội tại mà EVN thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao đột biến. Kết quả năm 2022, EVN dự kiến lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá).
EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2023 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu |
Để hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch năm 2023, tại hội nghị, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định số 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ để giảm bớt khó khăn và đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao.
Bên cạnh đó, EVN đề nghị Bộ Công thương tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương rà soát, sửa đổi thiết kế, quy định thị trường điện để phù hợp với các thay đổi cơ bản về cơ cấu nguồn điện với sự tham gia ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo, sự biến động lớn của nguồn cung cấp và giá nhiên liệu, đảm bảo tính cạnh tranh của các loại hình nguồn điện, tránh tạo lợi ích cục bộ cho một số loại hình nhà máy điện, đảm bảo cân bằng tài chính của EVN và giá điện hợp lý tới người tiêu dùng điện trong môi trường thị trường điện.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh |
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành điện lực năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhất trí với đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, chi phí đầu vào biến đổi không ngừng trong khi giá điện không thay đổi đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính của EVN. Do đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công thương và Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh giá bán điện để phù hợp với tình hình thực tế, chia sẻ với những khó khăn của EVN.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đề nghị EVN tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp về tiết kiệm, cắt giảm chi phí để cân bằng tài chính, đảm bảo phát triển bền vững, bảo toàn phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.