Tăng trưởng trong thách thức
Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) - Eurostat, tăng trưởng kinh tế Eurozone đạt 0,7% trong quý 2-2022, mạnh hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích. Như vậy, khu vực này đã có mức tăng trưởng ấn tượng so với quý trước dù lạm phát cao - lên đến mức kỷ lục 8,9% trong tháng 7 do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine - giá khí đốt tự nhiên và các mặt hàng thực phẩm tăng mạnh.
Những quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Pháp và Tây Ban Nha đạt mức tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý 2 nhờ du khách đều đang tận dụng thời gian dỡ bỏ hạn chế để đi du lịch. Kinh tế Pháp và Tây Ban Nha đã tăng trưởng lần lượt là 0,5% và 1,1% so với quý trước.
Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại động cơ tăng trưởng từ du lịch sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn và tất cả các nước trong khu vực đều đang phải đương đầu với thách thức lớn để có thể duy trì tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Nhà kinh tế Andrew Kenningham của Capital Economics - công ty nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại London (Anh), nhận định, dù GDP có tốt hơn dự báo thì các nước này vẫn phải đối mặt với thực tế là một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu rộng, lạm phát tăng phi mã và lãi suất tăng. Đây đều là những yếu tố có thể đẩy nền kinh tế khu vực vào suy thoái trong nửa cuối năm nay.
Đơn cử như Tây Ban Nha, nước này đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong 38 năm vào tháng 7, chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Trong tháng này, giá tiêu dùng tại Tây Ban Nha tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 10,2% ghi nhận trong tháng 6. Mức tăng lạm phát trong tháng 7 cũng là mức cao nhất từ tháng 9-1984.
Vì thế, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố loạt biện pháp hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp ứng phó với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, cụ thể là trợ giá nhiên liệu, giảm thuế điện. Theo Thủ tướng Pedro Sanchez, chính phủ sẽ dành 30 tỷ EUR (31 tỷ USD) ngân sách để triển khai các biện pháp, tương đương 2,3% GDP của nước này.
Chưa hết hy vọng
Tập đoàn Dịch vụ tài chính S&P Global của Mỹ công bố kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động kinh tế tại Eurozone đã thu hẹp trong tháng 7 khi mảng sản xuất ghi nhận sự sụt giảm lớn trong bối cảnh giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu.
Theo S&P Global, Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 52 trong tháng 6 năm nay xuống 49,4 trong tháng 7. Con số này thấp dưới ngưỡng 50, đồng nghĩa hoạt động kinh tế bị thu hẹp.
Kết quả khảo sát của S&P Global cũng chỉ ra rằng mức độ sụt giảm hoạt động kinh tế mạnh nhất xảy ra tại Đức do cường quốc xuất khẩu này chịu nhiều tác động của tình trạng giá cả leo thang trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng cao đang giảm sút.
S&P Global còn chỉ ra các tác động tiêu cực của việc siết chặt hơn các điều kiện tiền tệ - với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định tăng chi phí đi vay, cũng có thể kìm hãm các hoạt động kinh tế.
Dù vậy, ông Klaus Regling, Giám đốc Điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), cho rằng, Eurozone ngày càng gắn kết và kiên cường hơn, từ đó có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Gánh nặng lãi suất đối với ngân sách công của Eurozone đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Khu vực này đang ngày càng trở nên kiên cường hơn sau các cuộc khủng hoảng trong thập niên qua.