Các nút thắt cổ chai được tháo gỡ
Theo khảo sát hàng tháng của IHS Markit, tăng trưởng kinh tế tháng 2 của khu vực đã lên mức cao nhất trong 5 tháng. Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tăng 3,5 điểm, lên mức 55,8, cao hơn mức 52,3 được ghi nhận vào tháng 1. Trong đó, tăng trưởng ở các nền kinh tế đầu tàu, như Đức, cao nhất trong 6 tháng với PMI ở mức 56,2. Kinh tế Pháp cũng tăng trưởng tốt nhất trong 8 tháng với PMI đạt 57,4.
Chỉ số PMI trên 50 được hiểu là kinh tế tăng trưởng. Kinh tế tăng trưởng được cho là do 19 nước thành viên bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 2 tháng áp dụng để ứng phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra.
Trong khi đó, theo Dự báo Kinh tế mùa đông 2022 của Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố, tác động kinh tế của làn sóng lây nhiễm Omicron hiện tại sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hầu hết các nút thắt cổ chai kinh tế dần dần sẽ được tháo gỡ. Một thị trường lao động mạnh mẽ, tiết kiệm tích lũy cao, các điều kiện tài chính thuận lợi… sẽ giúp nền kinh tế Eurozone lấy lại tốc độ trong quý 2 và duy trì mạnh mẽ đến năm 2023.
Lạm phát vẫn cao
Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch đã tác động nặng nề vào một số nhánh của lĩnh vực dịch vụ. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất tiếp tục đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng do thiếu nguyên liệu đầu vào, trang thiết bị cũng như thiếu lao động. IHS Markit cũng lưu ý tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả trung bình của hàng hóa, dịch vụ tăng lên mức cao chưa từng thấy đang đẩy lạm phát lên mức cao kỷ++ lục. Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit Chris Williamson, giá năng lượng và lương tăng tiếp tục gây thêm áp lực lạm phát, khiến giá cả bán ra tăng cao nhất trong hơn 25 năm từ khi công ty này khảo sát.
Tại Berlin, do giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất các sản phẩm công nghiệp tại Đức cũng tăng lên mức kỷ lục. Nhiều loại sản phẩm thậm chí còn đắt gấp đôi so với trước. Dữ liệu từ cơ quan thống kê liên bang nước này (Destatis) cho thấy trong tháng 1, giá thành sản xuất các sản phẩm công nghiệp Đức đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất từ khi chỉ số này được khảo sát vào năm 1949.
Không chỉ các sản phẩm năng lượng mà nhiều mặt hàng khác từ thực phẩm tới máy móc, đều có giá cao hơn năm trước. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) ngày 21-2 cho biết, làn sóng dịch Covid-19 mới đây nhất đã đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái về mặt kỹ thuật trước khi có thể phục hồi từ quý 2 năm nay. Còn theo chuyên gia kinh tế Ralph Solveen từ Ngân hàng Commerzbank, tỷ lệ lạm phát ở Đức sẽ vào khoảng 5% cho đến quý 3. Dự báo trước đó từ Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo cho rằng, tỷ lệ lạm phát trung bình năm 2022 của nền kinh tế Đức sẽ ở mức 4% - cao nhất từ năm 1993.
Các nhà kinh tế liên tục cảnh báo, giá cả tăng cao có thể kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế cũng như tác động xấu tới đời sống của người dân vì áp lực chi phí có thể được chuyển từ nhà sản xuất sang giá tiêu dùng ở một mức độ lớn hơn. Theo Dự báo Kinh tế mùa đông 2022 của EC, lạm phát của khu vực đồng EUR trong năm 2022 được điều chỉnh tăng vì giá năng lượng sẽ còn ở mức cao. Lạm phát dự kiến trở lại dưới 2% vào năm 2023. Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng và lạm phát càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng địa chính trị hiện nay ở Đông Âu.