Ngăn ngừa nguy cơ phân hóa
Bộ trưởng Tài chính Ireland, ông Paschal Donohoe, Chủ tịch Eurogroup, nêu rõ: “Chúng tôi sẽ xem xét kế hoạch mà Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra để phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thực hiện điều đó theo cách có lợi nhất đối với tất cả mọi người”.
EC cho biết, đại dịch Covid-19 đang đẩy các quốc gia vốn đã mắc nợ cao vào nợ nần chồng chất hơn, hoặc gia tăng các vấn đề trong các lĩnh vực như khả năng cạnh tranh hoặc việc làm. Sự mất cân bằng như vậy giữa các nền kinh tế trong eurozone làm tăng nguy cơ khủng hoảng và làm cho chính sách tiền tệ chung của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kém hiệu quả hơn.
EC lưu ý rằng, việc thực hiện mạnh mẽ các cải cách và đầu tư liên quan, đồng thời sử dụng đầy đủ các biện pháp hỗ trợ của EU, sẽ giải quyết được những mất cân đối nêu trên. Giải quyết tình trạng mất cân đối cũng sẽ là chìa khóa để ngăn ngừa nguy cơ làm gia tăng sự phân hóa trong khu vực đồng euro.
Hiện 27 nước thành viên EU đã đồng ý cùng vay, chi tiêu và trả nợ 750 tỷ EUR để giúp nền kinh tế phục hồi sau tình trạng suy thoái do các biện pháp phong tỏa. Vấn đề trọng tâm hiện nay đối với các nước EU là làm thế nào để chi tiêu tốt nhất số tiền trên. Các nước thành viên hiện đang chuẩn bị kế hoạch chi tiêu để EU phê duyệt và sau đó phân bổ nguồn vốn. Nhưng để các kế hoạch được EC và các bộ trưởng tài chính EU thông qua, họ phải tính đến các khuyến nghị khác nhau của EU, như ưu tiên đầu tư vào số hóa nền kinh tế và làm cho nền kinh tế xanh hơn.
Duy trì chính sách tiền tệ
Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm và chiến dịch tiêm chủng vaccine triển khai chưa đồng đều có thể là những yếu tố sẽ gây áp lực lên ban điều hành ECB tại cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 21-1. Tuy nhiên, các thống đốc được cho là sẽ chưa có hành động mới.
Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên của ECB có thể sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau khi quyết định bơm thêm tiền kích thích nền kinh tế eurozone.
Tại cuộc họp vào tháng trước, ECB đã tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp thêm 500 tỷ EUR (600 tỷ USD), lên 1.850 tỷ EUR và kéo dài chương trình này đến tháng 3-2022. ECB cũng thông báo cấp thêm các khoản vay với lãi suất rất thấp cho các ngân hàng.
Nhà phân tích tại Capital Economics, Andrew Kenningham, cho rằng, lo ngại chính của các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ là tác động của đại dịch đến những hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế trong quý 1-2021.
Nhiều chính phủ các nước châu Âu đã phải một lần nữa thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, sau khi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn tại Anh và Nam Phi.
Lượng vaccine ngừa Covid-19 của các lô đầu tiên ít hơn dự kiến, đặc biệt là tại EU, đã gây thêm lo ngại rằng đại dịch có thể gây ra những tác động dài hơn. Tháng 12-2020, ECB dự báo tăng trưởng kinh tế của eurozone là 3,9% vào năm 2021 so với năm 2020.
Theo dự báo của công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics, GDP của eurozone dự kiến giảm từ 1,8% đến 2,3% trong quý 4-2020 và đà sụt giảm sẽ kéo sang cả quý đầu tiên của năm 2021 ở nhiều nền kinh tế lớn của khối.