EU vẫn căng với người di cư

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua lần cuối cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt các chính sách đối với người di cư và tị nạn.

Theo đó, các chính sách biên giới sẽ cứng rắn hơn và chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Tị nạn và Di cư Bỉ (nước đang giữ chức Chủ tịch EU) Nicole de Moor khẳng định: “Các quy định mới này sẽ tăng tính hiệu quả của hệ thống tị nạn của châu Âu và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên”.

Phải mất 3 năm đàm phán giữa các quốc gia thành viên để giải quyết vấn đề gai góc nhất trong chính sách châu Âu: nhập cư. Hiệp ước Di cư và Tị nạn mới đã cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên, nhấn mạnh sự đoàn kết và phân bổ gánh nặng nhập cư một cách công bằng hơn. Tuy nhiên, không lâu để nhận ra rằng thỏa thuận này cũng có lỗ hổng. Ngay từ đầu, rõ ràng nguyên tắc đoàn kết, ít nhất như được nêu trong hiệp ước mới, là rất khó thực thi.

Lấy ví dụ về vấn đề tái định cư, ngay từ đầu, một số quốc gia thành viên đã tuyên bố sẽ không chấp nhận việc chuyển người di cư và người tị nạn vào lãnh thổ của họ. Theo ước tính vào năm 2024, 2,4 triệu người tị nạn trên toàn thế giới sẽ cần tái định cư, đánh dấu mức tăng 20% so với năm 2023. Nhiều người trong số họ sẽ chọn châu Âu là điểm đến, với tuyến đường Đông Địa Trung Hải là con đường xâm nhập đông đúc nhất của những người di cư bất hợp pháp.

Vì vậy, vấn đề di cư sẽ tiếp tục gây đau đầu cho EU từ nay tới năm 2026, thậm chí có thể gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của EU. Trong khi đó, Hy Lạp, Italy, Cyprus và Malta vẫn đang gánh nặng vấn đề tài chính và sự bất mãn của công chúng, vì là các nước tiền tiêu đón nhận người di cư. Các thành viên sẽ tiếp tục tranh cãi về việc ai sẽ chịu trách nhiệm đối với người di cư khi họ đến và liệu các quốc gia khác có bị bắt buộc nhận người di cư hay không và làm sao để trục xuất họ về nước.

Tin cùng chuyên mục