Chiều nay 26-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cao cấp lần thứ 2 của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG).
Điểm nhấn của hội nghị này là khuyến nghị chính sách về mục tiêu thúc đẩy phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong 5 lĩnh vực ưu tiên, lần lượt là năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, tái cấu trúc ngành năng lượng, tiếp cận năng lượng và dữ liệu - thống kê năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, thay mặt Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch VEPG, và các đồng Chủ tịch là Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Bruno Angelet và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ousmane Dione đã ghi nhận giá trị của những đề xuất chính sách này đối với sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam và chính thức thông qua các khuyến nghị chính sách cũng như cam kết thực hiện những khuyến nghị này trong thời gian tới.
Đại sứ Bruno Angelet cho biết: “Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận với năng lượng có giá cả hợp lý và đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam”.
Ông Bruno Angelet nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi rất tự hào khi nhận thấy Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm đã có thể đưa ra các đề xuất nhằm cải cách chính sách một cách toàn diện. Đó là kết quả của quá trình tham vấn chặt chẽ với Chính phủ, khu vực tư nhân, các đơn vị nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi mong rằng các khuyến nghị này sẽ được đưa vào các tài liệu chính sách chiến lược của Việt Nam và sẽ trở thành các hành động chính sách cụ thể”.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ousmane Dione cho biết, Ngân hàng Thế giới hoàn toàn ủng hộ chương trình phát triển năng lượng của Việt Nam, bao gồm 5 lĩnh vực ưu tiên được thảo luận tại hội nghị cấp cao hôm nay.
Ông Ousmane Dione cho biết thêm: “Chúng tôi cam kết giúp đỡ Việt Nam đem đến nguồn năng lượng bền vững, sạch và đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, bao gồm cả các tư vấn kỹ thuật và chính sách, viện trợ đầu tư trực tiếp, các bảo đảm và biện pháp giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ cải cách chính sách, cải thiện an ninh năng lượng, và giúp Việt Nam đạt được đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) như một phần của Hiệp ước Paris”
Tại hội nghị, một số đơn vị, diễn giả đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các khuyến nghị chính sách từ Nhóm công tác kỹ thuật, giới thiệu những dự án và cách tiếp cận mới, sáng tạo có thể được nhân rộng trong tương lai. Trong số đó có phần trình bày về Nhà máy điện mặt trời Phong Điền – Nhà máy điện mặt trời đầu tiên của Việt Nam đã hòa lưới thành công vào lưới điện quốc gia trong tháng 10 vừa qua.
Phần trình bày đến từ tổ chức Green ID giới thiệu về quy trình lập kế hoạch năng lượng địa phương (Local Energy Planning), các sáng kiến này đã đưa điện mặt trời đến với các hộ dân vùng sâu vùng xa của một số tỉnh ở Việt Nam, trong đó có tỉnh An Giang.
Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) được thành lập vào tháng 6 - 2017 theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển với mục đích tăng cường hợp tác giữa các bên, kết nối hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng tại Việt Nam. Hiện nay, hoạt động của tổ chức này do Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới là đồng chủ trì. |