° PHÓNG VIÊN: Việt Nam - EU đều đánh giá việc ký kết EVFTA là một thành công trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến quan ngại rằng với EVFTA, hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp bất lợi, khó cạnh tranh với hàng hóa và dịch vụ của EU. Quan điểm của ông về nhận định này?
° ĐẠI SỨ GIORGIO ALIBERTI: Trong EVFTA, có các điều khoản về bảo hộ quy định cụ thể những lĩnh vực mà Việt Nam dễ bị tổn thương, khi mở cửa thị trường sẽ có độ trễ hơn so với EU. Khi EVFTA có hiệu lực, 99% dòng thuế được dỡ bỏ theo lộ trình quy định trong hiệp định, nhưng sẽ có 2 lộ trình khác nhau giữa EU và Việt Nam. EU chỉ có lộ trình 7 năm để mở cửa hoàn toàn, nhưng Việt Nam được cho phép đến 10 năm. Đây chính là khoảng thời gian để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của mình.
° Theo ông, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường 450 triệu dân của EU?
° Một câu trả lời duy nhất khó có thể khái quát hết nên tôi sẽ dẫn ra một số ví dụ. Như là hàng nông sản, Việt Nam nên hướng tới những sản phẩm hữu cơ nhiều hơn, bền vững hơn, tránh sử dụng những chất cấm trong quá trình sản xuất.
Người tiêu dùng EU không chấp nhận những loại chất gây nguy hại cho sức khỏe con người. Việt Nam có sản phẩm thế mạnh là cà phê và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện chất lượng giúp cà phê Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Các sản phẩm khác cũng phải tương tự, làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thực tế, Việt Nam đang xuất siêu vào EU, thế nên có thể nói, Việt Nam biết cách làm thế nào để xuất khẩu tốt.
° Những lĩnh vực nào EU chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu cũng như hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới?
° Hiện chúng tôi đang tập trung vào các sản phẩm liên quan đến máy móc vì châu Âu có thế mạnh về công nghệ. Điều này có thể thấy rõ qua các sản phẩm về phương tiện giao thông, như ô tô của châu Âu chẳng hạn, rất phổ biến tại Việt Nam. Ngoài ra còn có những sản phẩm công nghệ cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Một lĩnh vực khác là dược phẩm và EU hiện đang thúc đẩy phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam.
Còn về dịch vụ, chúng tôi nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm rất lớn. Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Số lượng người có mức thu nhập trung bình khá ngày càng tăng, từ 12 triệu người hiện nay có thể tăng lên 35-40 triệu người trong tương lai. Rõ ràng, đây là một lượng khách hàng tiềm năng cho lĩnh vực dịch vụ của EU.
Khi hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, EU luôn kỳ vọng Việt Nam sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi luôn muốn có một sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử, không có sự bảo hộ để các doanh nghiệp phát triển. Tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ EU - Việt Nam.
° Tết cổ truyền của người dân Việt Nam sắp đến. Đây là cái tết đầu tiên của ông trên cương vị Đại sứ EU tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ kế hoạch của mình cho dịp nghỉ lễ này?
° Tôi sẽ dành một vài ngày ở Hà Nội cảm nhận không khí đón tết của người Việt Nam ở đây. Tôi được biết là vào những ngày này, xe cộ ít hơn nhiều so với ngày thường, giao thông thông thoáng hơn và điều này thật sự tốt để thưởng ngoạn, du xuân.
Ngoài ra, tôi cũng dự kiến sẽ đi thăm một số điểm trong miền Nam nhân dịp này. Đi thăm thú một số nơi để cảm nhận được không khí đón năm mới ở mọi miền trong năm đầu tiên trên cương vị Đại sứ EU tại Việt Nam chắc chắn sẽ rất thú vị.
Đầu tiên là chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. EU đặt ra tham vọng đến năm 2050 sẽ trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới không còn phát thải CO2. Trong khi đó, rất nhiều cảnh báo về biến đổi khí hậu mang lại những thách thức cho Việt Nam. EU có đủ công cụ cho phép triển khai những giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Thứ hai là phát triển nền kinh tế số, tận dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi tích cực. EU có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có thể hỗ trợ Việt Nam theo đuổi con đường này. |