Theo báo trên, Ủy ban châu Âu (EC) cùng với Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã soạn thảo một dự thảo tài liệu liên quan đến việc khắc phục sự khác biệt giữa EU và Mỹ nảy sinh trong những năm qua. Trong dự thảo văn kiện, EC chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới để chống lại những thách thức do “sự cương quyết ngày càng tăng của Trung Quốc” mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, Daily Express cho biết, dự thảo văn kiện này không tiết lộ Mỹ và EU cần thực hiện những hành động nào để chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả hơn. Tài liệu chỉ nêu rõ rằng các bên có thể tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch và tội phạm mạng. Dự kiến, văn kiện sẽ được đệ trình để lãnh đạo các nước thành viên EU phê duyệt tại hội nghị cấp cao của khối diễn ra trong 2 ngày 10 và 11-12. Nếu kế hoạch được thông qua, EU và Mỹ có thể bắt tay vào thực hiện trong nửa đầu năm 2021.
Trong bối cảnh EU đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc với 103 loại hàng hóa và sản phẩm, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về việc khối đánh mất sự tự chủ của mình. Tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi EU tạo ra một chiến lược chung đối với Trung Quốc. Ông Maas cho rằng, các nước EU cần xây dựng quan hệ với Trung Quốc không chỉ dựa trên kinh tế mà còn dựa trên các cân nhắc chính trị.
Về mặt quân sự, báo cáo “NATO 2030” vừa công bố ngày 30-11 về cải cách Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, phải suy nghĩ kỹ hơn về cách đối phó với Trung Quốc và sự gia tăng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Báo cáo gồm 138 đề xuất được đưa ra trong bối cảnh những mối nghi ngờ ngày càng lớn về mục đích và sự xác đáng của một liên minh mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi năm ngoái đã cho rằng “bị chết não”.
Một nhà ngoại giao châu Âu dẫn thông tin từ báo cáo trên đánh giá, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại “vô hại” như phương Tây từng hy vọng. Nhà ngoại giao này khẳng định, Bắc Kinh là thế lực đang trỗi dậy trong thế kỷ này mà NATO phải thích ứng, với bằng chứng là các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc cực, châu Phi và những dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của châu Âu. Theo báo cáo, một phần trong phản ứng của NATO là nên duy trì lợi thế công nghệ so với Trung Quốc, bảo vệ các mạng máy tính và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, không phải tất cả các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo sẽ được thông qua. Liên minh gồm 30 thành viên này cũng có thể củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia ngoài khối NATO như Australia và tập trung nhiều hơn vào năng lực răn đe trong không gian vũ trụ, nơi Trung Quốc đang phát triển những con bài chủ chốt. Bên cạnh đó, NATO cũng cần phải cân nhắc đưa Trung Quốc vào tài liệu chiến lược tổng thể của khối mang tên “Khái niệm chiến lược”, tuy nhiên chưa đến lúc NATO tuyên bố Trung Quốc là một đối thủ.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Sofia dẫn phát biểu của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tin tưởng rằng, quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa các đồng minh trong khối sẽ được cải thiện trong thời gian tới và điều này rất có lợi trong nỗ lực cân bằng cán cân quyền lực toàn cầu.
Các lực lượng Mỹ cùng những đồng minh thuộc NATO và các quốc gia đối tác đã tiến hành nhiều cuộc tập trận và diễn tập bắn đạn thật trên khắp châu Âu trong tháng 11. Hải quân Mỹ ngày 30-11 cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ross đã hoàn thành những cuộc tập trận phòng không với các máy bay chiến đấu NATO, cất cánh từ căn cứ quân sự của Đức ở biển Baltic. Tại Romania, Mỹ và các đồng minh NATO đã tiến hành cuộc tập trận Rapid Falcon, kéo dài 7 ngày, trong đó có chương trình bắn tên lửa tầm xa HIMARS trong một chiến dịch cơ động triển khai nhanh… |