Bộ trưởng Tài chính 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone) vừa quyết định sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời vào nền kinh tế Ireland nếu nước này yêu cầu. Như vậy, một kịch bản tương tự như Hy Lạp sắp xảy ra. Điều mà các nhà kinh tế lo ngại là liệu còn có bao nhiêu Hy Lạp nữa trong 16 nước Eurozone và các đợt phá sản như vậy sẽ đưa đến hệ lụy gì?
Cuộc khủng hoảng nợ tại Ireland gióng thêm hồi chuông cảnh báo về việc thiếu các quy định chặt chẽ trong Eurozone cũng như khi thành lập khối này, người ta không ngờ tới khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng như vậy. Hiện tại, ít ai nghĩ rằng Eurozone sẽ tan rã nhưng nguy hiểm ở chỗ các nước thành viên cứ phải gồng mình đóng góp vào quỹ để cứu những thành viên còn lại.
Nhìn vào thực trạng các nền kinh tế trong Eurozone, người ta thấy rõ sự phân cực giữa các nước phía Bắc giàu có với các nước phía Nam thường xuyên bị thâm hụt ngân sách trầm trọng. Ngoài Hy Lạp đang vất vả vượt khủng hoảng, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và các thành viên mới như Slovenia, Slovakia cũng đang đối mặt với vô số khó khăn về công nợ.
Vào tháng 1-2011, Estonia sẽ tham gia khu vực đồng EUR, sẽ thêm một gánh nặng cho khu vực này khi mà nền kinh tế Estonia cũng không phải là mạnh.
Quỹ cứu trợ 750 tỷ EUR phần lớn đến từ các nước thành viên Eurozone, trong đó có Đức. Nhiều chuyên gia cho rằng, những người đóng thuế tại Đức, Pháp có thể bước đầu thông cảm với các kế hoạch đóng góp quỹ cứu các thành viên yếu trong Eurozone nhưng họ khó chấp nhận nếu việc này kéo dài.
Vì thế, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schašuble gần đây kêu gọi nên siết chặt các quy định tài chính của khu vực đồng EUR để phòng ngừa các nước thâm hụt ngân sách quá lớn, nếu cần có thể trục xuất họ khỏi Eurozone.
Theo cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Barclay của Anh, ông Martin Taylor, trong thâm tâm ông không bao giờ muốn Eurozone sụp đổ. Nhưng nếu các nước yếu kém trong khối này không có biện pháp đủ mạnh để vượt qua khó khăn kinh tế, nguy cơ đồng tiền EUR sụp đổ sẽ có thật.
Ông Taylor từng gây tranh cãi khi đề nghị lập 2 đồng tiền trong Eurozone, một đồng tiền dành cho phía Bắc và một dành cho phía Nam. Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có muốn phá giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng không thể vì họ không có đồng tiền riêng.
Theo nhà kinh tế Elisa Parisi-Capone, 45% khả năng các thành viên Eurozone về lâu dài sẽ rút khỏi khu vực này. Hy Lạp chẳng hạn, nếu nước này thất bại trong chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay, một chính phủ mới lên cầm quyền có thể sẽ trở lại sử dụng đồng drachmas, những người gửi tiền sẽ ồ ạt rút tiền EUR khỏi ngân hàng để bảo tồn vốn. Hậu quả sẽ không lường được.
Các nước khác như Đức, Pháp, Hà Lan… cũng sẽ gặp nguy vì các khoản đầu tư của họ vào Nam Âu, ảnh hưởng đến cả EU.
Nguy cơ khủng hoảng lan rộng trong Eurozone đang đặt ra thách thức cho đồng tiền hiện được xem có giá hơn cả USD. Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn bắt nguồn từ tham vọng quá lớn của các nhà hoạch định chính sách trong EU.
Đây cũng là hậu quả của việc mở rộng khu vực Eurozone quá nhanh trong một thời gian ngắn, bất chấp sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế của các thành viên.
Khánh Minh