EU - Trung Quốc “so găng” ở Tây Balkans

Tại hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Clingendael (Hà Lan) tổ chức, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này sẽ “mở rộng cuộc chơi” với Trung Quốc ở Tây Balkans.
Một tuyến đường sắt của Serbia do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc thi công. Ảnh: railtech.com
Một tuyến đường sắt của Serbia do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc thi công. Ảnh: railtech.com

Vừa đấm vừa xoa

 Tuyên bố trên được đưa ra sau khi EU dành một quỹ 9 tỷ EUR (10,5 tỷ USD) cho khu vực được coi là “mặt trận” cạnh tranh EU - Trung Quốc. Sự thúc đẩy tài chính mới nhất của Brussels nhằm hạn chế các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực. EU coi những khoản đầu tư của Bắc Kinh là thiếu minh bạch, đi ngược với mục tiêu của các nước ở Tây Balkans, đó là đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý trước khi có thể gia nhập EU trong tương lai.

Theo kế hoạch mới được công bố hôm 6-10, EU cũng có thể cung cấp các khoản bảo lãnh lên tới 20 tỷ EUR trong những năm tới để giảm chi phí tài chính cho cả đầu tư công và tư, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào khu vực này. Điều này tương tự việc Trung Quốc tự hào về các khoản cho vay của mình đối với các nước Tây Balkans.

Người phụ trách các vấn đề về Trung Quốc tại Cơ quan Ngoại giao EU Jonathan Hatwell cho rằng, các khoản đầu tư từ Trung Quốc làm nảy sinh “những lo ngại tiềm tàng” trong khu vực, có thể tác động đáng kể tới khuôn khổ thể chế còn nhiều bất cập ở Tây Balkans và khẳng định mối quan tâm của EU là tập trung vào tính bền vững về kinh tế - xã hội và tài chính, các tiêu chuẩn về môi trường, các vấn đề về nợ nần cũng như khả năng chuyển giao tài sản chiến lược.

Theo ông J.Hatwell, nếu Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận với Tây Balkans, có thể EU sẽ cùng hợp tác để phát triển. Bởi khi đó, EU và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở Tây Balkans.

Vùng đất cạnh tranh 

 Sáu quốc gia Tây Balkans gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Kosovo, Montenegro, Serbia luôn nằm trong tầm ngắm của EU vì có tiềm năng trở thành những ứng cử viên tương lai gia nhập khối. Sự hợp tác của Trung Quốc đối với một số quốc gia trong khu vực này đã thu hút sự quan tâm của EU, đặc biệt là đối với 2 quốc gia có nhiều khả năng bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU là Bắc Macedonia và Serbia.

Thời gian gần đây, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic dành mối quan tâm nhiều hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Các chuyên gia Trung Quốc là những người đầu tiên đánh bại virus SARS-CoV-2”, ông Vucic phát biểu vào tháng 4-2020 khi truyền hình nước này phát sóng sự kiện máy bay chở bác sĩ và thiết bị từ Trung Quốc đến.

Serbia là một trong những trung tâm chính trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, hành lang được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa của nước này tới thị trường châu Âu. Serbia nằm trên đường nối giữa cảng Piraeus của Hy Lạp và các cảng ở Đức và Hà Lan. Serbia còn là nền kinh tế lớn nhất Balkan và được coi là có cơ hội tốt nhất trong khu vực để gia nhập EU trong thập niên tới.

Sau thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Belgrade và Bắc Kinh vào năm 2009, Serbia đã nhận được nhiều đầu tư từ Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng ngành khai khoáng và một nhà máy thép ở thị trấn trung tâm Smederevo. Belgrade cũng hợp tác với Huawei trong dự án Thành phố an toàn để lắp đặt 1.000 camera nhận dạng khuôn mặt và gần đây đã thực hiện hợp đồng mua tên lửa đất đối không FK-3 và máy bay không người lái vũ trang do Trung Quốc sản xuất… 

Tin cùng chuyên mục