Làm chủ nguồn vaccine
Đề xuất tăng tốc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 được đưa ra trong bức thư chung của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, chủ yếu xuất phát từ vấn đề sản xuất.
Bức thư gửi các lãnh đạo châu Âu nêu rõ, EC phải triển khai tất cả phương tiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khối, có thể là thông qua đầu tư bổ sung nhằm nâng cấp các nhà máy hiện có hoặc xây dựng các cơ sở sản xuất mới. Ngân sách mới được thỏa thuận của EU cùng với quỹ phục hồi tổng cộng 1.800 tỷ EUR phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Theo số liệu thống kê của chuyên trang về dữ liệu Our World in Data, đến nay các nước EU đã tiêm liều đầu tiên cho khoảng 3% dân số, so với 9% ở Mỹ và 14% ở Anh. Trước đó, vào ngày 1-2, các hãng dược phẩm BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) cho biết sẽ tăng lượng vaccine bàn giao cho EU, cam kết cung cấp thêm 75 triệu liều cho khối trong mùa xuân. Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen cũng thông báo, hãng dược phẩm AstraZeneca sẽ bàn giao thêm 9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong quý 1 năm nay, nâng tổng số vaccine cung cấp cho EU trong giai đoạn này lên 40 triệu liều. Còn Tập đoàn hóa chất và dược phẩm Bayer (Đức) thông báo, từ năm 2022, hãng sẽ sản xuất vaccine phòng Covid-19 mà Công ty Dược phẩm CureVac (Đức) đang phát triển.
Kinh tế Eurozone sụt giảm ít hơn dự báo
Bất chấp đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề, số liệu chính thức được công bố ngày 2-2 cho thấy, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2020 sụt giảm ít hơn dự kiến. Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2020, nền kinh tế Eurozone giảm 6,8%, ít hơn so với dự báo giảm 7,8% do EC đưa ra hồi tháng 11-2020, mặc dù đây vẫn là một trong những con số tồi tệ nhất trong lịch sử. Điều này phần lớn nhờ vào sự khả quan của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức. Kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2020 và kinh tế Pháp giảm 8,3%, thay vì giảm đến 2 con số như lo ngại ban đầu. Eurostat cho biết thêm, nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên EU nói chung giảm 6,4% trong năm 2020 và giảm 0,5% riêng trong quý 4-2020.
Đến nay, nền kinh tế châu Âu chủ yếu được cầm cự bằng chương trình kích thích chưa từng có của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong đó cho phép các nước ở Eurozone vay với lãi suất thấp trên các thị trường để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Năm 2020, ECB đã triển khai gói kích thích khẩn cấp bao gồm việc mua trái phiếu chính phủ và công ty, tức là bơm tiền vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó là giữ lãi suất thấp và cho phép các doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay lãi suất ưu đãi.
Ngày 2-2, EC đã giải ngân 14 tỷ EUR cho 9 quốc gia thành viên trong đợt hỗ trợ tài chính thứ tư theo chương trình SURE (Hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong trường hợp khẩn cấp do Covid-19). Đây là khoản giải ngân đầu tiên vào năm 2021, trong đó Slovenia nhận được 913 triệu EUR, Tây Ban Nha 1,03 tỷ EUR, Bỉ 2 tỷ EUR, Ba Lan 4,28 tỷ EUR, Italy 4,45 tỷ EUR...
SURE là một phần trong gói 540 tỷ EUR đảm bảo mạng lưới an toàn cho người lao động, doanh nghiệp và các quốc gia thành viên. Trong đó, 100 tỷ EUR dành cho SURE, 200 tỷ EUR cho Quỹ bảo lãnh liên Âu các khoản vay cho các công ty và 240 tỷ EUR hỗ trợ khủng hoảng đại dịch cho các quốc gia thành viên. EU cũng đã thống nhất thông qua quỹ phục hồi kinh tế của khối trị giá 1.800 tỷ EUR giai đoạn 2021-2027.