Ngày 30-6, tại hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường châu Âu (EU) do UBND TPHCM phối hợp với Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tổ chức, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, EU là thị trường tiềm năng không chỉ đối với doanh nghiệp (DN) TPHCM mà chung cả nước. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để hỗ trợ DN vượt qua rào cản kỹ thuật, từng bước tiếp cận nhanh và chắc với thị trường này.
Doanh nghiệp nội tăng tốc
Phân tích về tiềm năng thị trường châu Âu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, EU đang là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của DN TPHCM (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). Ở chiều ngược lại, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) và hiện DN TPHCM đã xâm nhập sâu vào thị trường này.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của DN TPHCM vào EU đạt 5 tỷ USD (nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt hơn 700 triệu USD). Riêng 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD (nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt hơn 300 triệu USD). Do đó, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế suất đối với hàng nông lâm thủy sản Việt Nam từ EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với EVFTA, sau khi có hiệu lực vào đầu tháng 8, nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng hơn 500 triệu người và GDP hơn 18.000 tỷ USD. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Ghi nhận thực tế cho thấy, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Long An, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 nhưng hiện DN vẫn chưa tiếp cận được giải pháp hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho phép xuất khẩu vào thị trường EU với thuế suất ưu đãi. EU cũng có quy định là cùng một loại sản phẩm nhưng phải chủng loại nào mới được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu. Mặt khác, DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông quan hàng hóa.
Chưa hết, EU còn thắt chặt nhập khẩu hàng hóa bằng cách áp dụng hàng loạt tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quy trình sản xuất, môi trường… Để đáp ứng được, DN, hộ nông dân cần phải chuyển đổi sản xuất, canh tác theo hướng hiện đại, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất. Trong khi đó, 90% số DN trong nước có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nông hộ canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó đáp ứng rào cản này.
Theo báo cáo của tổ chức Eurofins, chỉ tính riêng chỉ tiêu ngưỡng quy định thuốc bảo vệ thực vật của EU, tỷ lệ số mẫu nông sản thực phẩm của Việt Nam không đáp ứng được cũng rất cao. Năm 2019, mặt hàng tiêu chiếm 35%, gạo chiếm 18%, thanh long là 4%, chuối là 4,5% và xoài là 2%. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ mẫu hàng nêu trên không đạt có giảm nhưng chưa đáng kể.
Để cải thiện năng lực xuất khẩu của DN, tiếp cận hiệu quả thị trường EU, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TPHCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Có thể kể đến việc đẩy mạnh tuyên truyền nội dung FTA, kết nối giao thương giữa DN TPHCM và DN nước ngoài. TPHCM đang xây dựng đề án phát triển xuất khẩu theo hướng chuyển sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng tập trung xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao. Đây cũng là định hướng để TPHCM giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. TPHCM cũng tập trung hoàn thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistic, tạo nền tảng cho DN phát triển và thực hiện mục tiêu TPHCM sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam.
Tại hội nghị, Bộ Công thương cũng đã khai trương hệ thống cấp C/O điện tử thực thi EVFTA. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ kết hợp EU thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam - EU.
Ngày 30-6, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”. Dịp này, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố Sách Trắng ấn bản lần thứ 12, trong đó các thành viên chia sẻ mục tiêu với Chính phủ về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam. Các công ty châu Âu đã đầu tư gần 24 tỷ USD vào Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, với trên 2.000 dự án. Ba lĩnh vực hàng đầu về đầu tư từ châu Âu là sản xuất (8,4 tỷ USD), sản xuất và truyền tải điện (5 tỷ USD) và bất động sản (2,6 tỷ USD). ANH THƯ |