Mức phạt khủng
Deepfake đã gây báo động trên toàn thế giới, đặc biệt khi được sử dụng trong bối cảnh chính trị. Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng bộ quy tắc tự nguyện vào năm 2018. Giờ đây, bộ quy tắc được cập nhật, trở thành một cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý và các bên ký bộ quy tắc.
Bộ quy tắc cập nhật sẽ nêu rõ thêm các hành vi đánh lừa như deepfake và tài khoản giả mạo mà các bên ký phải xử lý. Theo CNN, bộ quy tắc cập nhật cũng sẽ liên kết với các quy định nghiêm ngặt mới của EU trong khuôn khổ Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) đã được các nước thành viên EU nhất trí đầu năm nay, trong đó có mục chống thông tin sai lệch.
Các công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ theo bộ quy tắc có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty. Đối với một công ty như Meta, công ty mẹ của Facebook, điều đó có thể đồng nghĩa với mức phạt lên tới 7 tỷ USD (dựa trên số liệu bán hàng năm 2021).
Theo ông Thierry Breton, quan chức phụ trách chống thông tin sai lệch của EU, trong những năm qua, nhiều mạng xã hội lớn đã cho phép các chiến lược truyền bá thông tin sai lệch và gây bất ổn lan tràn mà không bị kiểm soát, thậm chí còn kiếm tiền từ việc này. Ông nhấn mạnh không thể tiếp tục để cho thông tin sai lệch là một nguồn thu nhập. Biện pháp ngăn chặn tốt nhất là cắt nguồn tài trợ thông tin sai lệch một cách triệt để.
Đòi hỏi nghiêm ngặt
Tháng 4 vừa qua, 27 nước thành viên EU đạt thỏa thuận về Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), buộc những gã khổng lồ công nghệ như Google và Meta phải giám sát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của họ mạnh mẽ hơn. Một phần quan trọng của luật sẽ hạn chế cách các hãng công nghệ nhắm mục tiêu vào người dùng bằng các quảng cáo trực tuyến.
Các công ty công nghệ sẽ được yêu cầu thực hiện các quy trình mới để gỡ bỏ dữ liệu bất hợp pháp như lời nói căm thù, kích động khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em. Các kênh thương mại điện tử như Amazon cũng phải ngăn chặn việc mua bán hàng hóa bất hợp pháp theo các quy định mới. Luật cũng bao gồm các biện pháp buộc các hãng công nghệ phải minh bạch hơn về các thuật toán mà họ sử dụng để đề xuất nội dung cho người dùng.
Phía các hãng công nghệ đã phản ứng tích cực với quy tắc mới này. Người phát ngôn của Google cho biết, công ty hoan nghênh các mục tiêu nói trên, nhưng nói thêm rằng họ muốn làm việc với các nhà hoạch định chính sách của EU để “nắm được các chi tiết kỹ thuật còn lại để đảm bảo luật phù hợp với mọi người”.
Mạng xã hội Twitter mong muốn được xem xét lại quy định một cách chi tiết: “Chúng tôi ủng hộ quy định thông minh, có tư duy tiến bộ cân bằng giữa nhu cầu giải quyết tác hại trực tuyến với bảo vệ Internet mở. Ưu tiên hàng đầu của Twitter là giữ cho mọi người trực tuyến an toàn và bảo vệ tính lành mạnh của cuộc trò chuyện công khai. Chúng tôi hoan nghênh việc tăng cường tập trung vào không gian kỹ thuật số lành mạnh hơn ở EU”.