Ngăn chặn di cư vượt kiểm soát
Theo một bản dự thảo tuyên bố chung của cuộc họp, các nước EU dự kiến quyết định hành động chung để ngăn chặn tái diễn làn sóng di cư bất hợp pháp vượt tầm kiểm soát mà khối này từng đối mặt trong quá khứ, bằng cách chuẩn bị phương án ứng phó có sự phối hợp giữa các nước. Dự thảo tuyên bố nhấn mạnh, EU cần tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan nhằm đảm bảo an toàn cho người tị nạn.
Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại - ông Josep Borrell cho biết, việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan đã khiến hàng triệu người tìm cách di tản tới các nước láng giềng và châu Âu. Vì vậy, EU cần hỗ trợ tài chính cho các nước láng giềng Afghanistan để giúp họ quản lý những người tị nạn rời khỏi nước này. Trao đổi với tờ Corriere Della Sera của Italy, ông J.Borrell nhận định, những người Afghanistan rời bỏ đất nước sẽ không đến được Rome ngay từ đầu, mà có thể là Tashkent ở Uzbekistan. Theo ông, các quốc gia láng giềng của Afghanistan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn và sớm hơn so với châu Âu, do đó điều này đồng nghĩa EU cần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đó như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với EU để ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu để đổi lấy một số ưu đãi bao gồm hỗ trợ tài chính. Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người tị nạn sau cuộc xung đột ở Syria. Trước đó, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu ở Afghanistan và ước tính đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan rời bỏ đất nước.
Chuẩn bị cho tương lai
Ông Josep Borrell cũng cho rằng, chính phủ các nước thành viên EU phải thúc đẩy lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai như ở Afghanistan. Theo ông, việc Mỹ nhanh chóng triển khai binh sĩ tới Afghanistan khi tình hình an ninh xấu đi cho thấy EU cần đẩy nhanh nỗ lực xây dựng một chính sách phòng thủ chung: “Chúng ta cần rút ra bài học từ kinh nghiệm này... với tư cách là người châu Âu, chúng ta đã không thể điều 6.000 binh sĩ xung quanh sân bay Kabul để đảm bảo an ninh cho khu vực này. Mỹ đã làm được như vậy còn chúng ta vẫn chưa”. Theo ông Borrell, EU nên có lực lượng tham gia ban đầu là 5.000 binh sĩ. Hồi tháng 5, 14 quốc gia EU, bao gồm cả Đức và Pháp, đã đề xuất thành lập một lực lượng như vậy, có thể cùng với nhiều tàu và máy bay, để giúp các chính phủ dân chủ nước ngoài cần sự giúp đỡ khẩn cấp.
Theo Reuters, vấn đề thành lập lực lượng phản ứng nhanh được thảo luận lần đầu tiên vào năm 1999 liên quan đến cuộc chiến Kosovo, sau đó đến năm 2007, EU tạm thành lập một nhóm gồm 1.500 binh sĩ để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, nhưng nhóm này chưa bao giờ ứng chiến vì các chính phủ EU không đồng ý về cách thức và thời điểm triển khai.
Tình hình Afghanistan cho thấy đã đến lúc EU phải nhanh chóng lập lực lượng này để đối phó với các cuộc khủng hoảng mới, như một ví dụ về cách EU có thể vượt qua các hạn chế trong triển khai các hoạt động quân sự được quy định bởi hiệp ước của khối. Nhưng những trở ngại vẫn còn đó, bao gồm việc thiếu văn hóa phòng thủ chung giữa các thành viên EU và tiêu chí cụ thể để xác định triển khai lực lượng này.