Lợi dụng cơ hội
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho rằng nhiều quốc gia, kể cả đồng minh cung cấp khí đốt cho châu Âu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng năng lượng để kiếm lời bằng cách sẵn sàng áp giá khí đốt cao ngất ngưỡng đối với các hợp đồng giao ngay cho châu Âu. Theo giới quan sát, ông Habeck muốn ám chỉ Mỹ và Na Uy. Chênh lệch giá khí đốt hiện tại giữa thị trường châu Âu và châu Mỹ đã đạt mức kỷ lục 10 lần, mang lại lợi nhuận chưa từng có cho các nhà cung cấp Mỹ.
Tờ Business Insider tiết lộ, các công ty Mỹ có thể kiếm được hơn 100 triệu USD lợi nhuận trên mỗi chuyến tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu. EU sát cánh Mỹ trong các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, với việc giảm hoặc cắt nhập khẩu khí đốt Nga, nhưng lại phải tìm nguồn cung thay thế và trả giá cao cho LNG nhập từ Mỹ và quốc gia đồng minh khác.
Theo nghị sĩ Nghị viện châu Âu Michael Bloss, đã là đồng minh, các bên nên hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, Mỹ nên đưa ra một mức giá LNG dựa trên mức của năm trước. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho rằng, EU nên tập hợp sức mạnh thị trường của mình và điều chỉnh hành vi mua hàng của các quốc gia trong khối một cách đồng bộ để các nước thành viên không trả giá cao hơn, tránh cạnh tranh lẫn nhau và làm tăng giá trên thị trường thế giới. Giới lãnh đạo EU hiện chuẩn bị khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) về việc đẩy nhanh đàm phán với các đối tác để giảm giá nhập khẩu LNG.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ít có khả năng Na Uy và Mỹ nhượng bộ. Na Uy hiện là nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của EU, đang thu được lợi nhuận khổng lồ do giá năng lượng tăng. Đến nay, Chính phủ Na Uy vẫn miễn cưỡng hướng tới một giải pháp công bằng với lập luận rằng quỹ hưu trí của họ đang bị ảnh hưởng do xung đột, nên cần lợi nhuận.
Giải pháp dài hạn
Tìm giải pháp cho mức giá năng lượng đã được bàn luận tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU vừa diễn ra ở CH Czech. Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là một lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Trong nhiều tuần qua, EU đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt gồm: giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh chính thức của EU trong 2 ngày 20 và 21-10 ở Brussels (Bỉ), EC sẽ trình bày gói giải pháp toàn diện hơn gồm các biện pháp ngắn hạn nhằm giảm giá năng lượng và những giải pháp dài hạn để định hình lại thị trường khí đốt của liên minh.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, bước đi tiếp theo là giải quyết tác động của giá khí đốt lên giá điện. Bà Leyen cũng cho biết EC sẽ đưa ra các đề xuất chi tiết hơn nhằm ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao. Chủ tịch EC thông báo lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga hiện chỉ chiếm 7,5% nhu cầu tiêu thụ của EU, giảm mạnh so với mức 40% trước đây. EU đã cố gắng giảm 1/10 tổng lượng tiêu thụ khí đốt và lấp đầy các bể chứa dự trữ ở mức gần 90% - cao hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ tịch EC nhấn mạnh mục tiêu của EU trong chính sách đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và EC sẽ tìm phương án tài chính cho các chương trình hỗ trợ.