Kháng đà bành trướng
Đối tượng bị đặt trong tầm nhắm không hề được nêu đích danh trong văn kiện dài 10 trang và các nhà ngoại giao EU khẳng định rằng đây không phải là một chiến lược chống Trung Quốc. Nhưng Reuters cho rằng dưới sự dẫn dắt của Pháp, Đức và Hà Lan, vốn đã đi tiên phong trong việc tìm cách thắt chặt quan hệ với những quốc gia trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, EU giờ đây muốn sử dụng chiến lược đang hình thành để cho Bắc Kinh thấy rõ là khối châu Âu không chấp nhận sự bành trướng.
Các ngoại trưởng EU đã khẳng định khối cần củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện cũng như các hành động của mình ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương... dựa trên việc phát huy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế.
Rất nhiều nội dung của chiến lược, cũng như ngôn từ trong tuyên bố của các ngoại trưởng sử dụng đều hàm ý kháng lại đà bành trướng của Trung Quốc trong bối cảnh mối lo ngại càng lúc càng tăng về việc Bắc Kinh hiện đại hóa công nghệ và quân sự đe dọa phương Tây và các đối tác thương mại của phương Tây ở châu Á. Chiến lược này như đi theo cùng một chiều hướng với cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc.
Reuters cũng cho rằng là các nhà ngoại giao EU tin rằng các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương muốn châu Âu dấn thân mạnh mẽ hơn vào khu vực để duy trì một nền thương mại tự do và cởi mở, giúp cho các nước trong vùng không phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, 2 quốc gia đang chuyển sang thế đối đầu.
Xem trọng an ninh hàng hải
Có 2 yếu tố nổi bật được Reuters ghi nhận trong điều có thể gọi là chiến lược châu Á mới của EU và đã được các ngoại trưởng EU xác định rõ trong tuyên bố của mình.
Trước hết là hướng đi chung. EU sẽ phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác và tăng cường hợp lực với các đối tác đồng chí hướng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng - và tiếp đến là hành động cụ thể nhằm ứng phó với các thách thức đối với an ninh quốc tế, bao gồm cả an ninh hàng hải.
Hiện vẫn chưa rõ EU sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực an ninh đến đâu, nhưng điều đó có thể sẽ được phản ánh qua việc EU sẽ có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn trên các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương, đầu tư nhiều tài lực và nhân sự hơn vào khu vực và rất có thể hiện diện quân sự thường xuyên hơn như điều chiến hạm qua Biển Đông hoặc tham gia các chuyến tuần tra của Australia…
Trong khi đó, Tạp chí The Diplomat đã ghi nhận chủ trương tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU.
Theo The Diplomat, đây là cốt lõi trong cách tiếp cận của EU đối với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, không chỉ áp dụng cho các đồng minh và bạn bè lâu đời của châu Âu, mà cho cả các nước thứ ba vì lợi ích hỗ tương. EU cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương khu vực, đi đầu là ASEAN, rồi Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM).
Việc EU chú ý đến ASEM, một cơ chế có sự tham gia của Trung Quốc, thể hiện một quan điểm thực dụng chi phối chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU: dù phải tìm cách hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng không thể xem nhẹ vai trò và ảnh hưởng của nước này. Chính vì thế, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU tránh hẳn việc “chỉ tên” Trung Quốc, điều vốn đã trở thành truyền thống của khối 27 nước.
Một trong những điểm nhắm vào Trung Quốc được The Diplomat nêu bật là nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải mà chiến lược mới của EU nhấn mạnh. Việc tăng cường bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng sẽ được thúc đẩy trên toàn khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.