Trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, chuyên gia Beni Sukadis, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Indonesia (Lesperssi), cho rằng bất kỳ nước nào khi đã thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đều phải tuân thủ. Ông khẳng định việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào EEZ của Việt Nam rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế và cần bị lên án.
Chuyên gia Sukadis cũng cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại các diễn đàn. Theo ông Sukadis, nếu một quốc gia ngoài ASEAN vi phạm lãnh thổ của một quốc gia thành viên ASEAN, thì ASEAN có nghĩa vụ phải tập hợp lại để thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.
Trong khi đó, PGS-TS Dinna Wisnu thuộc Đại học Bina Nusantara và Đại học Quốc gia Indonesia, cho rằng những gì Trung Quốc đang thực hiện ở biển Đông là “không thể chấp nhận được”. Các nước trong khu vực cần có hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) đã đăng thông cáo trên website của khối, nhấn mạnh “những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình, kinh tế của khu vực”.
Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Thông cáo của EU nhấn mạnh các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại của mỗi bên. EU mong muốn các bên sớm hoàn tất theo hướng minh bạch các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý. EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia.