Hành động này cho thấy EU đang quyết tâm bảo vệ thị trường xuất khẩu nhôm, thép trước sức ép bảo hộ thương mại từ phía Mỹ.
Sản phẩm thép được sản xuất tại Đức
Biện pháp tự vệ
Trong đơn kiện, EU cho biết không chấp nhận việc Mỹ đánh thuế thép và nhôm với lý do vì an ninh quốc gia, cho rằng Washington chỉ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của mình. Tuyên bố của EU nêu rõ: “Mặc dù Mỹ biện minh việc áp đặt thuế này như là các biện pháp an ninh, nhưng thực chất là những biện pháp tự vệ”. Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào một nước gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Trong trường hợp của Mỹ, giới chuyên gia châu Âu cho rằng không có mối đe dọa như trên. Theo quy định của WTO, các nước có thể yêu cầu được miễn trừ các nguyên tắc thương mại quốc tế nếu chứng minh được việc áp đặt thuế là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, việc miễn trừ không được áp dụng đối với các biện pháp tự vệ. EU cũng yêu cầu tiến hành tham vấn với Mỹ để làm rõ vấn đề trên càng sớm càng tốt. Mục đích tham vấn nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất cho 2 bên. Trước đó, EU đã bày tỏ mong muốn xúc tiến một cuộc đối thoại với Mỹ về các vấn đề thương mại cùng quan tâm, trong đó có tình trạng dư thừa sản lượng thép toàn cầu. Trong tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng lần lượt 10% và 25% các mức thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu, trong đó có EU. Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã tạm hoãn áp khoản thuế này đến ngày 1-5. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây chỉ là biện pháp xoa dịu nhất thời. EU và các đồng minh của Mỹ quan ngại mức thuế mới này không chỉ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, mà còn khiến lượng thép bị cấm nhập khẩu vào Mỹ tràn ngập thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa. Thiệt hại lớn Hàng năm, lượng thép xuất khẩu của EU sang Mỹ đạt khoảng 4 tỷ EUR (khoảng 5 tỷ USD) trong khi con số này của mặt hàng nhôm là 1 tỷ EUR. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, kế hoạch áp thuế mới của Mỹ có thể khiến khối này thiệt hại khoảng 2,8 tỷ EUR (3,5 tỷ USD). Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra thế “tiến thoái lưỡng nan” cho EU. Việc EU sẽ chọn đứng về bên nào đang là câu hỏi được đặt ra trong thời gian gần đây. Trên lý thuyết, Mỹ vẫn là đồng minh của châu Âu, nhưng mối quan hệ giữa hai bên đang đối diện với nhiều rủi ro sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ đối với ngoại giao thương mại có khả năng sẽ đẩy EU về phía Trung Quốc. EU quan tâm đến việc các khung chính sách thương mại đa phương và ở thời điểm hiện tại, chỉ có Bắc Kinh chia sẻ với EU quan điểm này, còn Washington đang ở phía đối lập. Trước đó, ngày 5-4, Trung Quốc cũng đã gửi kiến nghị lên WTO yêu cầu tiến hành tham vấn tại cơ quan này về những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh các mức thuế mới mà Washington áp đặt với những sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Mới đây, trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Donald Trump cáo buộc Trung Quốc “chơi trò phá giá tiền tệ”. Cáo buộc của ông chủ Nhà trắng mâu thuẫn với kết luận của Bộ Tài chính Mỹ khi bộ này hôm 13-4 báo cáo không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc, đã thao túng tiền tệ.