Diễn ra trong hai ngày 23 và 24-3 tại Brussels (Bỉ), hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm tiếng nói chung xung quanh hàng loạt thách thức mà khối đang đối mặt, cũng như các vấn đề quốc tế nổi bật. Tổng thư ký LHQ António Guterres tham dự sự kiện với tư cách khách mời.
Thống nhất cấp vũ khí cho Ukraine
Xung đột tại Ukraine là chủ đề chính được thảo luận. Tại hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của EU chính thức thông qua thỏa thuận cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo trong 12 tháng tới. Thỏa thuận trên đã được nhất trí tại cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU ngày 20-3 vừa qua. Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Âu như Hungary, Bulgaria phản đối và yêu cầu các bên thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Theo thỏa thuận, Ủy ban châu Âu sẽ cấp 1 tỷ EUR (1,07 tỷ USD) cho các nước EU để cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo lấy từ kho của các nước này. Ngoài ra, 1 tỷ EUR nữa sẽ chi mua đạn dược. Việc đặt hàng được triển khai từ tháng 5 tới. Trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, Slovakia thông báo đã chuyển 4 máy bay chiến đấu Mig-29 cho Ukraine.
Tình hình an ninh lương thực toàn cầu, trong đó có Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cũng là vấn đề trọng tâm tại hội nghị. Thỏa thuận giúp nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc từ 3 cảng của Ukraine ra thế giới vừa được gia hạn ngày 18-3, tránh nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Ngoài ra, lãnh đạo các quốc gia EU cũng thảo luận các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó đặc biệt xem xét hoạt động thương mại với Moscow thông qua một số nước thứ ba. Trọng tâm tiếp theo là chiến lược dài hạn của châu Âu để tăng cường khả năng cạnh tranh và năng suất cũng như cách khai thác toàn bộ tiềm năng của thị trường chung. Hậu quả về kinh tế do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine gây ra buộc EU phải đánh giá lại năng lực cạnh tranh kinh tế trong ngắn và dài hạn.
Đảm bảo an ninh năng lượng
Năng lượng cũng là chủ đề nóng tại hội nghị lần này. Ưu tiên của EU vẫn là đảm bảo an ninh nguồn cung với giá cả phải chăng và đưa ra các biện pháp cho mùa đông năm nay. Các nội dung gây tranh cãi nhất xung quanh chủ đề năng lượng là cách giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga và phi carbon hóa toàn bộ hệ thống năng lượng EU.
Gần đây, Đức đang tìm cách đảo ngược thỏa thuận của EU về việc cấm bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035 và trông đợi một ngoại lệ cho các ô tô chạy bằng một loại nhiên liệu tổng hợp không gây ô nhiễm môi trường. Đây là động thái bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của nước này. Pháp phản đối nỗ lực của Đức vì cho rằng cách tiếp cận đó ảnh hưởng đến các mục tiêu về khí hậu của EU. Pháp đang vận động châu Âu nâng cao tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong kế hoạch trung hòa carbon, một chính sách mà Đức phản đối.
Các nước thành viên EU nhiều năm qua bất đồng về việc nước nào chịu trách nhiệm tiếp nhận người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác. Vì vậy, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các nhà lãnh đạo EU tiếp tục bàn bạc về vấn đề di cư bất hợp pháp, hiện đang là vấn đề cấp bách đối với các quốc gia châu Âu. Đây được cho là nguồn gốc gây căng thẳng giữa các nước thành viên EU trong những năm qua.