Theo Reuters, mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của mỗi quốc gia, thông qua một loạt trường hợp miễn trừ có tính đến mức dự trữ khí đốt mỗi nước, cũng như liệu họ có đường ống dẫn khí đốt hay không.
Trước đó, các nước thành viên EU đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc trao quyền cho Brussels áp đặt việc cắt giảm lượng khí đốt trong trường hợp khẩn cấp. Họ muốn chính 27 quốc gia thành viên - chứ không phải cơ quan điều hành EU có trụ sở tại Brussels - quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các mục tiêu ràng buộc.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến cuối tháng 1-2023. Quyết định này đề cập đến các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2014 và được mở rộng đáng kể sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay.
Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người đứng đầu một loạt khu vực của Nga, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Nga Konstantin Chuichenko, 2 lãnh đạo tại vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Tổng cộng, có thêm 42 cá nhân được bổ sung vào danh sách trừng phạt của Chính phủ Anh.