Tự chủ công nghệ
Đó là một phần trong kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ EUR cho EU của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Theo Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, mục tiêu của kế hoạch là đạt sự tự chủ về công nghệ trong một số lĩnh vực. Đại dịch Covid-19 cũng như các tác động tiêu cực của nó đến cuộc sống và nền kinh tế đã cho thấy rõ tầm quan trọng của số hóa trong mọi lĩnh vực ở EU. Hiện EU đang phần nào phụ thuộc vào các nước khác trong các công nghệ chủ chốt và nguồn cung các vật liệu quan trọng.
Đề xuất của EC bao gồm: Đầu tư nhiều hơn vào các mạng 5G và 6G để đem lại lợi ích cho các lĩnh vực chính gồm y tế, giáo dục, vận tải, logistics và truyền thông. Các lĩnh vực khác sẽ được hưởng quỹ nhiều hơn gồm trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, thông tin bảo mật, dữ liệu và hạ tầng đám mây, siêu máy tính, lượng tử và chuỗi khối. EC cũng nhấn mạnh kế hoạch thông qua một đạo luật về dữ liệu để tận dụng các phát kiến của khối về dữ liệu công nghiệp, môi trường, y tế, giao thông và quản lý công.
Một luật mới mang tên Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số, dự kiến thông qua cuối năm nay, sẽ lập ra các quy định rõ ràng cho hoạt động này như đảm bảo an ninh tốt hơn cho người tiêu dùng trên mạng, ngăn chặn các nền tảng lạm dụng sức mạnh của thị trường đồng thời đảm bảo môi trường mạng là một “chợ” mua bán công bằng với các cơ hội ngang nhau cho các doanh nghiệp. Một chiến lược an ninh mạng dự kiến được mở rộng trong những tháng tới nhằm giúp các nước châu Âu tăng cường an ninh cho các mạng lưới của mình và xử lý các vụ tấn công táo bạo trên mạng.
Cùng với các “mũi nhọn” công nghệ kể trên, EC cũng gắn tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường. Quỹ phục hồi kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU trị giá 750 EUR nói trên sẽ bao gồm các biện pháp đánh thuế sâu rộng đối với các mặt hàng nhựa, khí thải carbon và các hãng công nghệ lớn.
Chưa từng có tiền lệ
Ủy viên các vấn đề kinh tế EU Paolo Gentiloni hoan nghênh đề xuất ưu tiên chuyển hướng cho lĩnh vực công nghệ, coi đây là “bước đột phá” giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Phục hồi nền kinh tế sau đại dịch là bài toán hóc búa cho EU. Dịch Covid-19 đã đẩy EU rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, do đó đề xuất lập quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ EUR của EC sẽ hỗ trợ các nước bị tác động mạnh nhất. Nếu được thông qua, đây là sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong năm 2020 có thể giảm từ 8%-12%. Trước đó, ECB cho rằng kinh tế eurozone có thể giảm 5%-12%. ECB cảnh báo các khoản nợ đang ngày một cao tại eurozone kéo theo những quan ngại ngày một tăng về nguy cơ một số nước sẽ rời khỏi eurozone hoặc khu vực này sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, ECB khẳng định chắc chắn rằng đại dịch Covid-19 sẽ không khiến eurozone sụp đổ.