Thiếu hợp tác tích cực
EU kêu gọi Anh xem xét một thỏa thuận với Brussels về nông sản nhằm chấm dứt tranh cãi hậu Brexit liên quan đến việc vận chuyển một số hàng hóa nhất định giữa Anh và Bắc Ireland. Phát biểu tại một phiên thảo luận về mối quan hệ EU - Anh, ông Maros Sefcovic nêu rõ: “Các biện pháp đơn phương mà Chính phủ Anh đưa ra trái với tinh thần hành động chung và rõ ràng vi phạm những điều chúng tôi đã thống nhất. Đáp lại, chúng tôi buộc phải khởi động một số thủ tục pháp lý nếu Anh không có động thái thỏa đáng để khắc phục”. Ông Maros Sefcovic, cũng đồng thời là người đối thoại chính của EU với Anh kể từ khi nước này hoàn tất thủ tục Brexit, cho rằng, khó khăn lớn nhất với Brussels hiện nay là làm thế nào để xây dựng lòng tin và thiết lập lại mối quan hệ với London. Tuy nhiên, ông Sefcovic khẳng định, để xây dựng lòng tin, trước hết các bên phải phối hợp với nhau.
Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1-1 nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập biên giới cứng giữa vùng này và CH Ireland (một thành viên của EU). Anh và EU đã ký Nghị định thư Bắc Ireland, theo đó EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, tiến hành kiểm tra hàng hóa đi qua các cảng, đảm bảo những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường EU.
Căng thẳng leo thang khi EU có hành động pháp lý với Anh với cáo buộc nước này vi phạm điều khoản của thỏa thuận Brexit và Nghị định thư Bắc Ireland khi đơn phương gia hạn tạm hoãn kiểm tra hải quan những thực phẩm tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland. Phía Anh khẳng định không có lựa chọn nào khác bởi một số chốt kiểm soát gây cản trở việc cung cấp hàng hóa cho người dân vùng lãnh thổ này. EU cảnh báo sẽ trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt thương mại nếu Anh đơn phương đình chỉ các phần của Nghị định thư Bắc Ireland.
Tìm điểm tựa mới
Trong bài phân tích đăng tải trên trang của Viện Lowy Australia, giáo sư Rahul Mishra của Viện Á - Âu thuộc Đại học Malaya (Malaysia) đánh giá chuyến công du của Ngoại trưởng Anh đến các nước Đông Nam Á cho thấy sự hiện diện của một nước Anh độc lập với Liên minh châu Âu ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, Anh không chỉ ký thỏa thuận thương mại với Việt Nam và Singapore mà còn với Nhật Bản và Australia. Để giữ đà phát triển thương mại, nước Anh cũng cam kết sẽ tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới. Đây được xem là nỗ lực của London nhằm tạo dựng nền tảng kinh tế và chính trị đã mất ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng để giành lại những người bạn cũ và tái thiết lập ảnh hưởng trong khu vực, nước Anh sẽ phải vượt qua cả mục tiêu bắt kịp EU và phải đi xa hơn nữa.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của nước Anh. Bên cạnh đó, việc nước Anh sớm tham gia với tư cách đối tác đối thoại của ASEAN là một khía cạnh mục tiêu xa hơn so với sự hiện diện của nước này tại khu vực. Nước Anh có mối quan hệ lịch sử lâu đời với Singapore và Malaysia thông qua Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA) - một hiệp ước quốc phòng bao gồm cả Australia và New Zealand. Và thông qua Khối thịnh vượng chung, Anh cũng có mối quan hệ chặt chẽ với từng thành viên là Brunei, Malaysia và Singapore. Đây có thể xem là những điểm tựa mới trong chính sách đối ngoại của Anh.