Nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu
Ngày 24-2-2023 cũng tròn một năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đối tác G7 sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp công nghệ cho tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga và các thiết bị công nghệ cao.
Trong khi đó, gói trừng phạt thứ 10 của EU dự kiến ban hành vào ngày 24-2 sẽ hạn chế thương mại trị giá 11 tỷ EUR (11,7 tỷ USD). Gói trừng phạt mới sẽ bao gồm các hạn chế đối với việc xuất khẩu các linh kiện điện tử mà Nga sử dụng cho nhu cầu quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái, tên lửa, trực thăng. Biện pháp trừng phạt mới cũng đưa thêm khoảng 100 cá nhân và thực thể của Nga vào danh sách đóng băng tài khoản và hạn chế thị thực.
Kế hoạch cho gói trừng phạt thứ 10 đã được Ủy ban châu Âu soạn thảo trong suốt tháng 2, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm gây bất đồng trong các nước thành viên.
Người Nga chọn mua hàng hóa tại siêu thị |
EU đã triển khai 9 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022, trong đó nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ. Giới chức ngoại giao EU cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt.
Đối phó hiệu quả
Trong năm 2022, sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã trở thành quốc gia giữ kỷ lục thế giới về số lượng lệnh trừng phạt chống lại nước này, vượt qua Iran, Triều Tiên và Venezuela. Trong một cuộc họp mới đây, Tổng thống V.Putin thừa nhận, Nga đang chịu áp lực từ vô số lệnh trừng phạt mà các quốc gia không thân thiện áp đặt. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Nga đang đối phó với những biện pháp này một cách hiệu quả. Nga đã vượt qua toàn bộ những lệnh trừng phạt này với “một cái đầu lạnh”.
Trong động thái đáp trả, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) vừa thông qua dự luật chấm dứt Quy chế của Hội đồng châu Âu tại Nga và rút khỏi 21 thỏa thuận quốc tế với Hội đồng này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố, Moscow sẽ đáp trả bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế các quyền của Nga trong các công ước còn lại của Hội đồng châu Âu và thậm chí từ bỏ tham gia các công ước này. Trong trường hợp cần thiết, nước này sẽ có hành động đáp trả nếu EU quyết định tịch thu tài sản của Nga và chuyển cho phía Ukraine.
Trước đó, đại diện EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) hôm 15-2, đồng ý thông qua việc thành lập nhóm làm việc đặc biệt xem xét việc sử dụng các tài sản bị phong tỏa hoặc tịch thu của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine.