EU bác kế hoạch Brexit: Thủ tướng Anh chịu sức ép lớn

Việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bác bỏ điểm trọng tâm trong kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang khiến Thủ tướng nước này, bà Theresa May, chịu sức ép từ nhiều phía.


Người dân Anh biểu tình phản đối Brexit tại London
Người dân Anh biểu tình phản đối Brexit tại London

Nội bộ lục đục

Điểm trọng tâm của kế hoạch Brexit, còn gọi là kế hoạch Chequers, liên quan vấn đề khu vực thương mại tự do trong lĩnh vực hàng hóa và nông nghiệp giữa Anh và EU.

Trả lời phỏng vấn tờ Huffington Post ngày 21-9, cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit Anh David Davis cho biết có tới 40 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu phản đối kế hoạch Brexit của Thủ tướng T.May, khiến bà khó có thể thuyết phục Quốc hội Anh thông qua văn kiện này.

Theo ông Davis, một nhóm các nghị sĩ nòng cốt  có quan điểm cứng rắn thuộc Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) sẵn sàng phủ quyết các kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh. Đây là nhóm tập hợp các nhà lập pháp ủng hộ một thỏa thuận Brexit dứt khoát với EU. Trong khi đó, 3 chính đảng đối lập khác tại Anh gồm Công đảng, đảng Dân tộc Scotland (SNP) và đảng Dân chủ tự do đã công khai phản đối mọi kế hoạch của bà T.May.

Như vậy, nỗ lực của Thủ tướng T.May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo EU nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán cũng như việc bà nhượng bộ thông qua bản kế hoạch Brexit trên nhằm tạo bước ngoặt cho tiến trình đàm phán, vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Trên thực tế, phản ứng của các quan chức EU về kế hoạch của bà T.May dường như lại khuyến khích những nghị sĩ chỉ trích bà trong đảng Bảo thủ, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, đẩy mạnh chiến dịch phản đối bản kế hoạch tại hội nghị đảng Bảo thủ diễn ra vào cuối tháng này.

Dư luận cho rằng, Thủ tướng T.May sẽ đối mặt với không ít khó khăn để bảo vệ kế hoạch cũng như cương vị thủ tướng của bà. Nếu 40 trong tổng số 315 nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện cùng nghị sĩ các đảng đối lập đồng loạt phủ quyết kế hoạch Brexit của Thủ tướng T.May, nước Anh nhiều khả năng đối mặt với kịch bản rời EU mà không đạt được thỏa thuận, phải tiến hành tổng tuyển cử hoặc thậm chí một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.

Dân túy trỗi dậy

Trong khi nội bộ đảng cầm quyền chia rẽ về kế hoạch Brexit, đảng độc lập Vương quốc Anh (UKIP), một chính đảng chủ trương bài EU, đã công bố gói các chính sách theo chủ nghĩa dân túy với hy vọng khôi phục lại ảnh hưởng của đảng này vốn đang giảm sút.

Lãnh đạo đảng UKIP đồng thời là thành viên Nghị viện châu Âu (EP) Gerard Batten nhấn mạnh, bản tuyên ngôn dài 17 trang này hướng tới hỗ trợ những người góp sức tạo dựng xương sống của nước Anh, như người lao động, người đóng thuế, người thất nghiệp song muốn có việc làm, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Batten, gói chính sách này còn đề xuất việc rút Anh khỏi EU hoàn toàn và toàn bộ, ngừng chi trả các khoản phí cho EU cũng như chấm dứt tuân thủ các quy tắc của khối. Những đề xuất này được nhìn nhận “cực đoan” hơn nhiều so với các đề xuất của Thủ tướng T.May. Bên cạnh đó, UKIP cũng chủ trương siết chặt chính sách di cư, cắt giảm các khoản hỗ trợ nước ngoài, giảm thuế cho người dân và tăng thuế đối với các công ty đa quốc gia.

Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anh, ông Chris Grayling, trả lời phỏng vấn của BBC cho biết, Anh sẽ rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào nếu lãnh đạo các nước thành viên khối này không có quan điểm mềm mỏng hơn về vấn đề biên giới với Ireland. Theo ông Grayling: “Ở thời điểm hiện tại, điều mà EU đòi hỏi xung quanh vấn đề Bắc Ireland đơn giản là không thể đối với bất kể chính phủ nào của Anh”.

Tin cùng chuyên mục