Phát triển dài lâu
Tờ Nikkei (Nhật) dẫn lời một quan chức EU cho biết, hội nghị thượng đỉnh này khai mạc vào ngày 14-12 tại Brussels, Bỉ. EU và ASEAN muốn phát triển chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm đình trệ quá trình nhập khẩu các sản phẩm y tế và linh kiện ô tô vào EU, do vậy khối này dự kiến cung cấp các thỏa thuận hợp tác kinh tế và viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á. EU sẽ khuyến khích các nước Đông Nam Á hoàn thành vai trò chính trong chuỗi cung ứng cho phương Tây, dựa trên ý tưởng “giao hữu” giữa các quốc gia.
EU có các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực với các nước thành viên ASEAN là Singapore và Việt Nam, đồng thời đang tìm cách đẩy nhanh các cuộc đàm phán tương tự với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Một mạng lưới thương mại tự do được mở rộng sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào các cường quốc giàu tài nguyên. ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn của EU, dữ liệu của LHQ cho thấy EU và ASEAN đã giao dịch lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD vào năm 2021.
Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN có ý nghĩa lớn hơn đối với EU trên các mặt trận kinh tế, ngoại giao và an ninh. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, EU cũng sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN về tự do hàng hải ở Biển Đông và kiểm soát xuất khẩu, bao gồm công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Những nỗ lực này dựa trên chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của liên minh được thông qua vào năm 2021.
Mở rộng nhiều mặt
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 45 năm Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU, thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN, đánh dấu mốc son cho những nỗ lực thúc đẩy quan hệ và sẵn sàng thấu hiểu nhau, là các yếu tố quan trọng giúp hai khối hàng đầu khu vực Á-Âu này ngày càng gắn kết.
Theo các chuyên gia, mối quan hệ ASEAN-EU trong 45 năm qua đã thật sự trưởng thành và có nhiều bước tiến quan trọng. Bà Federica Mogherini, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đánh giá hai khối đã trở thành những đối tác cùng vượt qua các thách thức nhờ sự thẳng thắn và cởi mở. Sự cởi mở này sẽ là nền tảng tốt cho một tình bạn và quan hệ đối tác thực sự.
Không chỉ mở rộng thương mại, hai khối còn chú trọng hợp tác giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ giúp định hình các nhà ngoại giao tương lai, tạo điều kiện học hỏi từ các thế hệ cũ và chia sẻ ý tưởng của thế hệ mới, tạo ra các cơ hội cho giáo dục, tác động rộng rãi đến các cá nhân và tổ chức.
Giáo sư Tommy Koh, chuyên gia về luật quốc tế và là cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ, đánh giá, giới trẻ “khá công tâm”. Đây là điểm mạnh có thể được tận dụng và nâng cao qua giáo dục. Đưa thanh thiếu niên tham gia vào các cuộc thảo luận toàn cầu là một trong những mục tiêu chung của cả hai khối, qua đó giúp cung cấp các nền tảng để những người trẻ tuổi có thể trao đổi ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng đến tương lai của họ.