Cam kết chưa từng có
Khóa họp quy tụ hơn 500 đại biểu từ 51 quốc gia thành viên và các thành viên đối tác. Tuyên bố Bangkok nhắc lại cam kết của khu vực trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế cùng Hiến chương Liên hiệp quốc (LHQ).
Tuyên bố này được thông qua trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với thử thách chung lớn nhất do những tác động về kinh tế - xã hội từ đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị và khủng hoảng khí hậu. Khoảng 85 triệu người đã bị đẩy trở lại cảnh nghèo cùng cực do đại dịch, trong khi hàng triệu người khác bị mất việc làm hoặc sinh kế và một thế hệ trẻ em thiếu thời gian học tập quý báu.
Tuyên bố đặt ra một chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên những lĩnh vực ưu tiên được xác định từ các cuộc tham vấn và đàm phán giữa các quốc gia. Chính phủ các nước cam kết không bỏ lại ai phía sau, cũng như đặt phụ nữ và thanh niên vào tâm điểm của sự phát triển.
Các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thương mại như một động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, bảo vệ hành tinh, tăng cường kết nối khu vực và khai thác các cơ hội công nghệ. Theo Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP, bà Armida Salsiah Alisjahbana, văn kiện nêu trên cho thấy cam kết chưa từng có và sự can dự thực sự của các quốc gia để hợp tác ứng phó với những vấn đề phức tạp hiện nay cũng như bảo vệ nguyện vọng phát triển của người dân là tăng cường đoàn kết ở châu Á - Thái Bình Dương.
Vai trò quan trọng của khu vực
Là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu và là nơi có vô số đổi mới đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người. Mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển đáng kể trong những thập niên qua, nhưng khu vực rộng lớn này cũng đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn.
Trong thông điệp gửi tới khóa họp của ESCAP, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, ESCAP và các quốc gia thành viên có vị trí thuận lợi nhất để thúc đẩy tiến bộ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; giúp khơi dậy các hành động đa phương được xây dựng trên sự đoàn kết, tin cậy và hợp tác nhằm tạo ra một tương lai xanh hơn, bền vững hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người.
Tham dự khóa họp của ESCAP, ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, phân tích rõ hoàn cảnh của các nước kém phát triển nhất, các nước đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển trong khu vực, những quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng khí hậu và kinh tế - xã hội. Theo ông Shahid, ESCAP phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các quốc gia này về tài chính, công nghệ, phát triển năng lực, xóa nợ trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, các quốc gia cũng kêu gọi củng cố vai trò của ESCAP như một nền tảng phát triển khu vực nhằm đáp ứng hiệu quả các nhu cầu đang thay đổi và mới nổi của khu vực. Đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chính phủ các nước tạo ra đủ không gian tài khóa để cho phép đầu tư nhiều hơn vào phát triển bền vữnG.