Sau 8 năm đàm phán, ngày 12-2, tại phiên toàn thể diễn ra tại Strasbourg, Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức trông đợi.
Tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh và được ưu đãi thuế quan như dệt may, da giày, nông thủy sản…
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện và do tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp, hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có. EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Hai Hiệp định EVFTA và EVIPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số.
Quyết tâm thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế
Việc hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA được đánh giá hết sức quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ Việt Nam và EU, mở ra chân trời hợp tác ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn giữa hai bên sau đúng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1990 - 2020). Sự kiện này tiếp tục gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của cả Việt Nam - EU trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp.
Triển khai EVFTA có ý nghĩa chiến lược đối với EU, giúp EU tăng cường, làm sâu sắc quan hệ với Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Việc hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA, hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác đã dành cho Việt Nam, là bước triển khai quan trọng chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần đưa hội nhập kinh tế quốc tế đi vào giai đoạn mới, sâu rộng và toàn diện.
Sau khi được EP phê chuẩn, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục được Quốc hội nước ta thông qua để có hiệu lực. Quyết định của EP đã “bật đèn xanh” cho việc thực thi hiệp định EVFTA và tạo tiền đề để các nghị viện quốc gia thành viên EU xem xét, phê chuẩn EVIPA thời gian tới. Việc phê chuẩn các hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.
EP đã thông qua EVIPA với 407 phiếu thuận, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. EVFTA được thông qua với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Việc phê chuẩn với tỷ lệ phiếu thuận cao cho thấy sự coi trọng của EU đối với vai trò, vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam. |