Malacca

Eo biển không bình yên

THANH HẰNG
Eo biển không bình yên

Đầu tháng 7-2006, 3 vụ tấn công liên tiếp tàu chở hàng trên eo biển Malacca lại làm dấy lên sự lo ngại về nạn cướp biển vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khu vực này. Eo biển Malacca là một trong những tuyến đường biển có mật độ giao thương xếp vào loại cao nhất thế giới. Nơi đây, từ lâu đã được mệnh danh “miền đất hứa” cho những tên cướp biển...

“Mắt của bầu trời”

Eo biển không bình yên ảnh 1

Cướp biển trên eo biển Malacca.

Người ta đã ví von eo biển Malacca như thế bởi những tính chất và những đặc điểm vô cùng đặc biệt của nó. Eo biển nằm giữa bán đảo Malacca và Sumatra, thuộc các vùng lãnh hải của Singapore, Malaysia, Indonesia và một phần ở miền Nam Thái Lan.

Đây là tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới vì hàng năm có hơn 50 ngàn lượt tàu bè qua lại, chuyên chở hơn 30% lượng dầu, 50% lượng hàng hóa buôn bán trên thế giới.

Kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tuyến hàng hải này, vì một nửa số tàu chở nguyên liệu của 3 nước này đều đi qua đây, đa số là tàu chở dầu và tàu chở container. Địa hình của eo biển Malacca khá đặc biệt với chiều dài 960km và nơi hẹp nhất chỉ 1,2km nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho bọn cướp biển hoạt động.

Theo Cơ quan Hàng hải Quốc tế (IBM), eo biển Malacca là điểm nóng nhất về cướp biển tại Đông Nam Á, có đến 25%-30% vụ tấn công tàu thuyền trên thế giới xảy ra tại eo biển này.

Cướp biển hoành hành

Không như bọn cướp biển trước đây tại eo biển Malacca vốn chỉ dùng tàu bè nhỏ, gươm, mã tấu để hành sự, cướp biển thời nay được trang bị đầy đủ súng, đạn, lựu đạn, ống phóng rốc két và cả những tàu tốc độ cao. Theo IBM, các vụ tấn công trên tàu thuyền ngày càng táo bạo hơn và có tổ chức chặt chẽ hơn. Các băng nhóm hải tặc thường đi trên những con tàu cao tốc, bất ngờ xuất hiện và tấn công con mồi chỉ trong vòng vài chục phút đồng hồ.

Chúng thường cướp đi hàng hóa giá trị, những số tiền lớn, chứng từ quan trọng trên tàu hoặc bắt cóc thủy thủ đoàn để đòi tiền chuộc. Sau khi gây án, bọn chúng thường lập tức biến mất vào những đảo hoang gần eo biển khiến cảnh sát tuần tra không dễ dàng gì truy lùng những tên tội phạm nguy hiểm này.

Một vài năm trở lại đây, nỗi đe dọa từ bọn hải tặc càng gia tăng khi có thông tin đã có nhiều nhóm cướp biển có liên quan các nhóm khủng bố, hoạt động tội phạm, như buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, thậm chí còn có khả năng thông đồng với các quan chức địa phương.

Nỗi lo sợ nguy cơ khủng bố còn tăng cao khi các nhà điều tra đang cho rằng những tên cướp biển đều có mối liên hệ mật thiết với những tổ chức khủng bố khét tiếng trên thế giới và ngay cả Đông Nam Á hiện cũng đang là cái nôi của những tổ chức khủng bố “có tiếng tăm” như Abu Sayyaf thuộc Philippines, Free Aceh Movement (GAM) tại tỉnh Aceh, Indonesia…

Mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng đang được cho là có mối liên hệ với những nhóm cướp biển tại Malacca. Theo các nhà điều tra trong khu vực, đã có những bằng chứng cho thấy Al-Qaeda đã lưu vào “sổ đen” vùng eo biển Malacca. Trùm khủng bố Bin Laden có khoảng 20 tàu chuyên chở có thể sử dụng bất cứ lúc nào và thường qua lại trên biển với những quốc kỳ khác nhau, rất khó phân biệt và không dễ dàng để nhận diện. Nếu những tổ chức khủng bố và những tên cướp biển liên kết với nhau thì rất có thể mối nguy hiểm trên eo biển càng gia tăng.

Nỗ lực hợp tác tuần tra trong vùng

Trước nguy cơ cướp biển hoành hành, cuối tháng 4 vừa qua 3 nước trong khu vực Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Singapore đã ký kết hiệp ước chính thức cùng tuần tra dọc eo biển Malacca.

Theo thỏa thuận của hiệp ước này, hải quân các nước sẽ truy đuổi các tàu của hải tặc nếu phát hiện, đồng thời báo ngay lập tức cho hai nước kia. Việc mở rộng phạm vi điều tra không chỉ giới hạn trong ba nước trên mà còn có sự tham dự của Thái Lan.

4 nước cũng đã thống nhất trong việc lập kế hoạch hợp tác tuần tra trên không và hợp tác tuần tra trên biển. Theo đó, khu vực tuần tra trên eo biển Malacca sẽ kéo dài từ Bắc của eo biển bao gồm cả Thái Lan tới Singapore, phía Nam của eo biển này. Trước đó, những nỗ lực hợp tác trong vùng vẫn luôn được thực hiện. Vào năm 2004, tàu hải quân của Singapore, Indonesia, Malaysia đã bắt đầu hiện diện và bắt đầu các chuyến bay trinh sát, vì vậy, các vụ cướp biển đã giảm 2/3 so với trước đây.

Theo Bộ Vận tải Singapore, trung tâm thông tin chống cướp biển tại châu Á sẽ đi vào hoạt động trong tháng 12 tới. Trung tâm này đã được thành lập trên sự hợp tác của Singapore và Công ty Phát triển hệ thống St Electronic có nhiệm vụ chia sẻ thông tin với 16 nước khu vực châu Á đã tham gia Hiệp định hợp tác chống cướp biển.

Không chỉ có các cường quốc trong khu vực Đông Nam Á quan tâm đến nạn cướp biển trên eo biển Malacca mà ngay cả Mỹ cũng rất “để tâm” đến vấn đề này.

Vào tháng 4-2004, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Thomas Fargo, đã đề nghị ba nước vùng Malacca cho phép lực lượng đặc nhiệm và tuần tiễu của Mỹ được triển khai tại eo biển và cùng tham gia tuần tra chung theo sáng kiến được gọi là “Sáng kiến an ninh hàng hải khu vực”.

Tuy nhiên đề nghị trên gặp sự phản đối gay gắt của Indonesia và Malaysia do hai nước trên đã không đồng tình về sự có mặt của hải quân Mỹ trên vùng biển thuộc lãnh thổ của mình. Hơn nữa, việc quân đội nước ngoài hiện diện tại eo biển sẽ càng làm cho các phần tử Hồi giáo tập trung quanh khu vực này và nguy cơ khủng bố tăng cao.

* Từ tháng 7-2006 đến nay đã xảy ra 3 vụ cướp tấn công tàu chở hàng gồm 1 tàu của Nhật Bản, 2 tàu của Liên hiệp quốc thuê chở vật liệu xây dựng và hàng cứu trợ để đến tái thiết tỉnh Aceh, bị phá hủy nặng nề trong thảm họa sóng thần tháng 12-2004.

* Eo biển Malacca chiếm đến 1/3 vụ cướp biển trên toàn thế giới, trong đó năm 1994: 25 vụ. Đến năm 2000 số vụ tấn công tăng lên đến 220 vụ. °Năm 2000 đến 2006: các vụ tấn công giảm xuống 1/3, 3 tháng đầu năm 2006: 19 vụ. 

THANH HẰNG 

Tin cùng chuyên mục