- Hồi này ở siêu thị và các chợ trên mạng có bày bán những hàng hóa được làm từ thanh long: rượu vang, rượu đế, mứt, kem, nước cốt, trái sấy… Bao bì những thứ này bắt mắt, xài thử thấy cũng ngon. Đây có phải là hướng đi mới cho thanh long sau nhiều lần bị dội biên từ phía Trung Quốc?
- Gần đây, tư duy làm ăn của người làm thanh long Bình Thuận đã thay đổi đáng kể. Ở tỉnh này, 85% sản lượng thanh long dành cho xuất khẩu, nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Mỗi lần biên mậu cà giựt, hàng ngàn tấn thanh long có thể hư hao, đổ bỏ gây thua lỗ. Chế biến sâu tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng cao là chuyện bắt buộc phải làm.
- Nhưng có một thực tế lâu nay, là vùng nguyên liệu tập trung quá ít. Chỉ trừ trái vải có vùng nguyên liệu lớn ở Hải Dương và Bắc Giang, còn thanh long, xoài, mít, khoai lang, sầu riêng… trồng lẻ mẻ, mỗi nơi một ít. Nguyên liệu phân bố kiểu vậy, giá thành chế biến sẽ tăng lên.
- Đó là chuyện còn mắc kẹt nhiều năm nay. Các nhà máy chế biến nông sản hiện đại ở xứ mình luôn đối diện nỗi lo thiếu nguyên liệu đạt chuẩn. Mô hình liên kết bền vững giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn chưa chắc chân. Chỉ khi thiết lập và vận hành căn cơ mô hình này, thì từ đầu vào tới đầu ra cho nông sản mới thông suốt. Mà có thế, sẽ êm bụng nông dân.