Đây được coi là một dấu hiệu khá tích cực trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về nguy cơ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Eurozone.
ECB nêu rõ: “Nhu cầu tăng nhẹ đối với những khoản vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng lại giảm đối với những khoản vay dành cho doanh nghiệp lớn”. Nhiều trong số những biện pháp kích thích kinh tế mà ECB thực hiện trong những năm gần đây là nhằm tăng các khoản vay ngân hàng, một yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng ở châu Âu hơn là ở những nền kinh tế phát triển khác như Mỹ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ECB và nhiều thể chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã buộc phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone do những yếu tố từ bên ngoài như các cuộc chiến thương mại và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Các chuyên gia kinh tế của ECB dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone chỉ đạt 1,1% trong năm nay và 1,2% trong năm 2020. Trước tình hình tăng trưởng ảm đạm và các rủi ro gia tăng, tháng 9 vừa qua, ECB đã thông qua một gói biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua các cú sốc từ bên ngoài.
Hội đồng điều hành ECB đã tăng số tiền lên 2.600 tỷ EUR mua trái phiếu và cung cấp các khoản vay cực rẻ cho các ngân hàng thành viên. Bà Christine Lagarde (sẽ nhậm chức Thống đốc ECB vào ngày 1-11) tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách này của người tiền nhiệm, ông Mario Draghi. Phát biểu với tuần báo Đức Der Spiegel, bà Lagarde nhận định chính sách tiền tệ đã phát huy rất nhiều trong những năm gần đây, có thể giúp thay đổi tình hình khi triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Với sự sụt giảm sản xuất đe dọa các lĩnh vực dịch vụ, tăng trưởng Eurozone trong quý 3-2019 có lẽ có lẽ chỉ đạt 0,1%. Kinh tế Pháp cũng đang hạ nhiệt, trong khi nền kinh tế Italy được dự đoán sẽ bị ngừng trệ. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã cảnh báo một sự trượt dốc trong sản xuất và xuất khẩu của Đức có thể đã kéo nước này vào suy thoái trong quý 3-2019.
ECB dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách không thay đổi sau khi cơ quan này gây ra một cuộc tranh luận gay gắt vào tháng trước bằng cách cắt giảm lãi suất xuống 0,5% và khởi động lại chương trình mua trái phiếu sau 10 tháng gián đoạn. Hội đồng quản trị của ECB cho biết lãi suất sẽ không tăng cho đến khi có triển vọng lạm phát đạt gần 2%. Lạm phát Eurozone tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 0,8%, thấp hơn mục tiêu ECB, và có khả năng giảm hơn nữa trong quý cuối cùng của năm 2019. Thống đốc sắp mãn nhiệm của ECB, ông Draghi, kêu gọi các chính phủ khu vực Eurozone tiến hành cải cách để cải thiện năng suất và thị trường lao động, đồng thời sử dụng chính sách tài khóa để kích thích hơn nữa nền kinh tế khối. Ông Draghi chỉ ra dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự suy giảm mạnh trong sản xuất đang bắt đầu lan sang lĩnh vực dịch vụ là bằng chứng cho thấy các biện pháp nới lỏng gần đây của ECB là cần thiết. Ông bác bỏ những gợi ý rằng tiêu cực đang gây hại nhiều hơn là tích cực và cho rằng kích thích nền kinh tế và thúc đẩy việc làm là hướng đi đúng.