Chiều 4-7 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) tổ chức ở Hà Nội, các chuyên gia về thủy sản đề nghị từ nay đến cuối năm, toàn ngành thủy sản cần tập trung thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để sớm khắc phục tình trạng “thẻ vàng” đối với thủy sản. Đồng thời, chú trọng đảm bảo chất lượng các loại thủy sản xuất khẩu chủ lực để hướng đến mục tiêu giá trị kim ngạch đạt 10 tỷ USD cho cả năm.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD.
Ngư dân Khánh Hòa khai thác cá ngừ đại dương xuất khẩu
Cùng ngày 4-7, Ủy ban châu Âu (EC) đã có thông tin gửi báo chí Việt Nam thông báo ý kiến của EC về việc thực hiện các khuyến nghị cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản của Việt Nam.
Theo đó, khi kiểm tra thực địa, đoàn thanh tra của EC cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể.
Việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.
Để triển khai có hiệu quả chống khai thác IUU, đoàn thanh tra EC cho rằng việc chống khai thác IUU cần hành động cụ thể tích cực, mạnh mẽ hơn trong thực tiễn và đưa ra các nội dung Việt Nam cần phải ưu tiên trong thời gian tới như lập ban chỉ đạo chống khai thác IUU đủ mạnh và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả từ trung ương đến địa phương và thường xuyên kiểm tra, tăng cường kết nối; có kế hoạch và lộ trình cụ thể về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đảm bảo việc thực thi các quy định về lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, ngay khi Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1-1-2019…
Đoàn thanh tra EC cũng cho rằng công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác còn chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định của châu Âu về kiểm soát truy xuất nguồn gốc sản phẩm, về khai thác bất hợp pháp xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Hiện tại, Việt Nam chưa kiểm soát được sản phẩm khai báo trên giấy tờ so với thực tế. Do vậy cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.
Đoàn thanh tra EU cũng đưa ra yêu cầu trong 6 tháng cuối năm phải tập trung nguồn lực, có các biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát chặt chẽ đội tàu của các địa phương; hoàn thành trước ngày 30-10 việc thu hồi tất cả các thiết bị giám sát hành trình MOVIMAR đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m…