Tín hiệu lạc quan
Dự báo lần này của Ủy ban châu Âu (EC) lạc quan hơn so với dự báo đưa ra cuối năm ngoái, theo đó nâng triển vọng tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ 0,9% lên 1,1%. Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), ông Paolo Gentiloni, nhận định, tình hình kinh tế châu Âu đang khả quan hơn so với dự báo hồi mùa thu năm ngoái. Các nước tại lục địa già đã tránh được suy thoái kinh tế vào cuối năm 2022 và dự báo đạt mức tăng trưởng vừa phải trong năm nay cũng như năm tới nhờ nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng, khả năng phục hồi đáng kể của thị trường lao động và các hạn chế về nguồn cung được nới lỏng.
EC nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho khu vực gồm 20 quốc gia từ 1,5% lên 1,6%. Cơ quan này cũng điều chỉnh dự báo lạm phát ở Eurozone là 5,8% vào năm 2023, tăng so với tỷ lệ 5,6% trong dự báo trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến tăng 2,8% vào năm 2024, cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. EC cảnh báo, khi lạm phát vẫn ở mức cao, các điều kiện tài chính sẽ thắt chặt hơn nữa.
Trong khi đó, theo số liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis), giá bán buôn trong tháng 4 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên giá bán buôn hàng năm giảm kể từ tháng 12-2020. Theo Destatis, mức giá chung thấp hơn trên thị trường bán buôn có thể là tin tốt cho những người tiêu dùng đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao. Các đại lý bán buôn thường là trung gian liên kết giữa nhà sản xuất với người bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Vì vậy, mức giá họ đặt ra thường tác động đến giá trong các cửa hàng, việc tăng hoặc giảm giá đến tay khách hàng chỉ sau một thời gian rất ngắn. Với giá bán buôn đang giảm, điều này có thể làm giảm tỷ lệ lạm phát, trong khi giá tiêu dùng có khả năng tăng với tốc độ chậm hơn trong những tháng còn lại của năm.
Loại trừ nguy cơ
Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni đã loại trừ nguy cơ châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng nợ hay bất động sản, mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng mạnh lãi suất. Ông Paolo Gentiloni cho biết, quyết định tăng lãi suất sẽ khiến một số quốc gia gặp khó khăn, song không phải toàn bộ 27 nước thành viên EU. Lý do là thị trường bất động sản tại mỗi quốc gia tồn tại những vấn đề khác nhau, phụ thuộc vào mức độ liên kết giữa hệ thống thế chấp tài sản với lạm phát. Ông nhận định, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí vay nợ nhưng ở mức hạn chế và hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael McGrath nhận định, không tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, ít nhất là tại quốc gia này trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng tăng do bùng nổ dân số.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 3,25%, do lạm phát tại Eurozone đang chậm lại với triển vọng ổn định. Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá cả và tiền lương tăng cao.