Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018, với sự có mặt của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Việt Nam (AmCham), dường như có chút “hờn dỗi” khi phát biểu rằng: “Việt Nam đang thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng, liệu việc có nhiều DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thật sự tốt cho nền kinh tế hay không”.
Dẫn lời một nhà lập pháp về mối quan ngại trong trường hợp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những DN FDI - đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu - rút đi, Chủ tịch AmCham nói: “Tất cả chúng ta (cả Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài - PV) đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần thấy được sự tiến bộ liên tục và hữu hình trong môi trường kinh doanh. Các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát; khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được”.
Theo vị đại diện cộng đồng DN Mỹ, một cuộc khảo sát gần đây của AmCham với các DN Mỹ ở Trung Quốc cho thấy, 1/3 đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại. Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ những quốc gia khác thì cho thấy, 1/2 đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ. AmCham cho rằng đây là một xu thế có lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để rót thêm vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai, mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các quy định, cả thuế suất lẫn chính sách.
Những nhận định của ông Michael Kelly là có cơ sở. Ví dụ, trong hoạt động xuất nhập khẩu, một số DN đã áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo hiệp định tự do thương mại (FTA) cho các lô hàng nhập khẩu tại chỗ có C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) được xuất trình đúng hạn, tờ khai đã được cơ quan hải quan kiểm tra và đóng dấu xác nhận trong quá trình thông quan. Việc này đã được thực hiện trong một giai đoạn khá dài.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, một số cơ quan hải quan địa phương lại kết luận rằng trường hợp nhập khẩu tại chỗ nêu trên không được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA, mà phải áp dụng thuế suất ưu đãi (thuế suất MFN) từ ngày 1-9-2016 đến nay. Từ đó, các DN đã bị ấn định bổ sung thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ theo quyết định của cơ quan hải quan địa phương.
Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 10 cũng cho biết, công ty có 2 nhà máy ở Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội) và Amata (Đồng Nai). Khi được cấp chứng nhận đầu tư và đi vào hoạt động, dự án ở Amata Đồng Nai được xác định là được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi 15%, miễn thuế 3 năm và giảm 5 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, do đi vào hoạt động đúng vào thời điểm chính sách ưu đãi thuế thay đổi, nên Amata Đồng Nai chỉ được coi là dự án mở rộng, không được hưởng mức thuế thu nhập DN ưu đãi, chỉ được miễn thuế 3 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Kết quả, Zamil Steel phải nộp thêm số tiền gần 9,7 tỷ đồng thuế thu nhập DN cho dự án mở rộng ở Đồng Nai. Zamil chấp nhận nộp thêm khoản thuế chênh lệch trên 6,5 tỷ đồng (nhưng chưa nộp), đồng thời đề nghị không phải nộp số tiền phạt và lãi trả chậm trên 3,1 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát những trường hợp vướng mắc của DN vì sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN thời gian trước năm 2014, báo cáo Thủ tướng trên tinh thần bảo đảm không hồi tố. Song, cho đến nay, các DN vẫn đang thấp thỏm chờ đợi. Những thay đổi trong chính sách và áp dụng hồi tố, có thể mang đến lợi ích trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, sẽ làm giảm đi sự hấp dẫn về môi trường đầu tư trong con mắt của DN, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài đang muốn lựa chọn Việt Nam là điểm đến.